KTĐT - Kết luận trên được đưa ra trong bản báo cáo "Khủng hoảng cung cấp lương thực 2007-2008" do một nhóm chuyên gia dịch vụ dân sự Anh vừa công bố.
Sản xuất lương thực của thế giới sẽ tăng lên và an ninh lương thực toàn cầu sẽ được cải thiện nếu các thị trường nông sản được tự do hóa.
Kết luận này được đưa ra trong bản báo cáo "Khủng hoảng cung cấp lương thực 2007-2008" do một nhóm chuyên gia dịch vụ dân sự Anh vừa công bố.
Trong báo cáo này, các chuyên gia khuyến nghị nên từ bỏ chính sách nông nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) dưới hình thức như hiện nay. Họ lập luận rằng việc thao túng thị trường và trợ cấp trực tiếp là một trở ngại đáng kể đối với hoạt động hiệu quả của các thị trường nhằm tăng cường an ninh lương thực cho cả châu Âu lẫn thế giới.
Báo cáo nhấn mạnh việc giá nông sản tăng đột ngột là do sự kết hợp giữa nhu cầu không co giãn với nguồn cung bị thiếu trong thời gian ngắn và do phía cung phụ thuộc vào các quá trình khí hậu và sinh học. Tác động của những nhân tố này có thể bị thổi phồng trong bối cảnh vận động của các thị trường và việc thực hiện các chính sách yếu kém (ở cả trong nước và quốc tế).
Báo cáo khuyến nghị chính phủ Anh nên dựa vào quan điểm đã có từ lâu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) rằng "buôn bán nông sản sẽ giúp tăng cường an ninh lương thực quốc gia và toàn cầu bằng cách tăng các nguồn cung lương thực và giảm giá ở các nước nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất lương thực ở các nước có điều kiện tự nhiên hoặc cơ cấu nông nghiệp thuận lợi cũng như tăng tốc độ phát triển kinh tế toàn diện thông qua phân phối hiệu quả các nguồn tài nguyên".
Lập trường của OECD là cải cách thương mại sẽ giúp cải thiện thị trường thế giới nhằm giảm bớt sự biến động của giá cả quốc tế và khuyến khích nông dân ở các nước sản xuất theo những lợi thế cạnh tranh tương ứng của họ./.