Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tư duy mới - Tầm nhìn mới

Quốc Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự nghiệp đổi mới của nước nhà vào năm 1986 được đánh giá là bước chuyển lớn trong đổi mới về tư duy, trước hết là tư duy về kinh tế. Đó là quá trình toàn Đảng, toàn dân trăn trở sau những gì chúng ta phải trả giá khi mang nặng tư tưởng bao cấp trong nhiều năm.

Tuy nhiên, cái gì được gọi là “mới” cũng chỉ có thời gian nhất định, vì thế đã đến lúc phải tiếp tục tiến thêm một bước. Trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa nhiều thành phần, việc nhìn nhận kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế cũng trải qua cả một quá trình. Nó không dễ tự đến.
Gần đây trước những tin vui dồn dập từ Nghị quyết 10, Hội nghị T.Ư 5, Khóa XII được ban hành (tháng 6/2017), Đảng đã dành hẳn một chuyên đề về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tháng 9/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành hẳn một buổi để gặp 14 DN tư nhân lớn trong cả nước để “lắng nghe những lời nói thật". Thủ tướng rất thực lòng muốn biết hiện giờ, đâu là những cản trở họ làm ăn và kìm hãm sức phát triển của kinh tế tư nhân? Chỉ vậy thôi, đã có thể thấy, trong một tương lai gần, kinh tế tư nhân ở Việt Nam rồi sẽ phát triển nhanh hơn nhiều so với trước đây.
Cách đây vài tháng, khi T.Ư Đảng đang chuẩn bị nội dung Hội nghị T.Ư 5, Khóa XII, tôi có liên hệ phỏng vấn TS Đặng Vũ Chư - nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, để nghe ông nhìn nhận về sự đổi mới tư duy kinh tế của Đảng sau nhiều chục năm. Ông vui vẻ cho biết: “Dù chưa mấy ai nói là hiện đất nước đã và đang thực hiện công cuộc đổi mới lần 2, nhưng nếu nghiên cứu thật kỹ thì có thể đánh giá: Trong Văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ VI, Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định trong 5 thành phần kinh tế thì kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Tại các Đại hội Đảng tiếp theo và cho đến tận Đại hội Đảng lần thứ XI, vẫn theo tinh thần này. Nhưng đến Đại hội Đảng lần thứ XII vừa qua, Đảng đã xác định trong 5 thành phần kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân giữ vai trò động lực của nền kinh tế. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh: "Chưa lúc nào kinh tế tư nhân lại được coi trọng như thời điểm này”. Tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính phủ, hiện phần lớn DN vẫn chỉ là quy mô nhỏ và vừa. "Trong số khoảng nửa triệu DN của cả nước thì tư nhân chiếm đến 96,7%, nhưng có đến 486.000 DN là nhỏ và siêu nhỏ. Số DN vừa và lớn chỉ khoảng 10.000"- Thủ tướng đưa dẫn chứng đồng thời cũng nhấn mạnh, rất cần những DN tư nhân lớn để dẫn dắt, tạo ra mối liên kết cho cả khối DN dân doanh phát triển. "Cho nên, rất cần đưa ra những vấn đề được coi là nút thắt, để tháo gỡ nhằm cho tư nhân phát triển? Chính phủ muốn được nghe những lời nói thẳng, nói thật, có trách nhiệm để từ đó có chính sách, định hướng, tạo ra khung pháp lý, môi trường kinh doanh tốt nhất" - Thủ tướng  chia sẻ và động viên... Người đứng đầu Chính phủ đặt vấn đề: Môi trường kinh doanh đang có trở ngại gì? Hay câu chuyện thuế khóa ra sao? "Nhà nước phải làm gì và bản thân DN phải làm gì ngoài nộp thuế, bảo vệ môi trường, giải quyết lao động" - đó thực sự là những câu hỏi rất cầu thị từ phía Chính phủ. Và cộng đồng DN tin rằng những đề nghị rất thật lòng đó từ người đứng đầu Chính phủ được phát ra  với một khát vọng để giúp kinh tế tư nhân ngày một phát triển.
Với những tư duy mới nói trên, kinh tế tư nhân hiện đã có “đất” để phát triển. Những cơ hội để kinh tế tư nhân phát triển đã mở ra.