Từ Thành phố vì Hòa bình đến Thành phố Sáng tạo: Hà Nội phát triển lên tầm cao mới

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Danh hiệu Thành phố vì Hòa bình năm 1999 được UNESCO trao tặng cho Hà Nội. 20 năm sau, UNESCO thêm một lần vinh danh Hà Nội với danh hiệu Hà Nội Thành phố Sáng tạo - danh hiệu thế kỷ XXI.

Các danh hiệu này sẽ bổ trợ và thêm phần nâng cao vị thế cho Hà Nội, với tầm nhìn hướng về tương lai, phản ánh khát vọng quốc gia, trở thành một thành viên sáng tạo, tích cực và có trách nhiệm trong khu vực và thế giới.
Thành phố của lòng nhân ái

Cách đây 21 năm, Hà Nội là một trong 5 TP tiêu biểu trên thế giới, đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh Thành phố Vì hòa bình. Như nhận xét của các chuyên gia, Hà Nội được có được danh hiệu Thành phố vì Hòa bình là nhờ bề dày lịch sử và truyền thống hòa nhập và vị tha.
Phố Sách Hà Nội. Ảnh: Nam Nguyễn
Theo đánh giá của GS.TS.NDND Nguyễn Quang Ngọc nhận xét: Đã 11 thế kỷ kể từ mùa thu Canh Tuất 1010, đức Lý Thái Tổ ban “Chiếu dời đô”, quyết định dời kinh đô Đại Việt từ Hoa Lư về định đô tại đất “Rồng bay”, Thăng Long - Hà Nội vẫn luôn khẳng định một vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ nhân tài bốn phương để kiến tạo nên Thăng Long - Hà Nội rạng ngời trong lịch sử, vẫn lắng đọng hồn núi sông ngàn năm, với những giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, để tự hào là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của nền văn hóa dân tộc, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố vì Hòa bình”.

Để cải thiện đời sống Nhân dân, phát triển văn hóa, giáo dục, giải quyết các vấn đề đô thị hóa, môi trường sinh thái,… trong hơn 20 năm qua, nhiều mục tiêu, chương trình, công trình đã được hoàn thành, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, góp phần cải thiện đời sống người dân. Nhờ sự nỗ lực đó, trong hơn 20 năm qua, nhất là sau khi mở rộng địa giới hành chính, hàng loạt công trình tiêu biểu là: Cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, Đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, đường Vành đai 3 và Vành đai 3 trên cao, đường Vành đai 2, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài,… đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Hình ảnh Thủ tướng Australia John Howard thong thả chạy bộ buổi sáng ở hồ Hoàn Kiếm, Tổng thống Pháp Francois Hollande thong thả tản bộ trong khu phố cổ, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ngồi ăn bún chả cùng người dân, Tổng thống Argentina Mauricio Macri thưởng thức cà phê vỉa hè… với người dân Hà Nội càng thể hiện rõ tinh thần hòa bình, thân thiện có sẵn trong mảnh đất này. Đặc biệt, tháng 2/2019, Hà Nội đã được Hoa Kỳ và Triều Tiên chọn là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 giữa hai bên. Tất cả khẳng định, sức hấp dẫn từ sự phát triển ổn định, khẳng định niềm tin vào Hà Nội - Thành phố vì Hòa bình.

Đến tháng 10/2019, tròn 20 năm kể từ khi Hà Nội được vinh danh là Thành phố hòa bình của UNESCO, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực Thiết kế sáng tạo.Theo Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft: “Danh hiệu Thành phố Sáng tạo sẽ thêm phần nâng cao vị thế cho danh hiệu Thành phố vì Hòa bình, nhưng đóng vai trò là một phương tiện giúp Hà Nội phát triển thành Kinh đô Sáng tạo, trao quyền cho người dân và xây dựng một nền kinh tế cân bằng, đa dạng và đổi mới là giá trị đích thực của danh hiệu này. Nói cách khác là hướng về phương pháp phát triển bền vững hơn và lấy con người làm trung tâm”.

Hiện thực hóa các sáng kiến

Trong đơn đệ trình UNESCO ghi danh Hà Nội trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, UBND TP Hà Nội nhấn mạnh khát vọng vị thế thành phố sáng tạo về thiết kế, đồng thời khẳng định di sản văn hóa trù phú của Hà Nội là sự kế thừa của gia tài sáng tạo và đổi mới, là mảnh đất màu mỡ để phục hưng văn hóa trong thời đại mới với sự dẫn dắt của thanh niên - những công dân tài năng và năng động của Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Lê Hoài Trung, trên thực tế, Hà Nội có thể đáp ứng tất cả các tiêu chí về sáng tạo. Tuy nhiên, chỉ có tiêu chí “Thiết kế” mới thể hiện được tầm nhìn, chiến lược phát triển bền vững, bao trùm lên những tiêu chí còn lại và phát huy mọi nguồn lực của Hà Nội. Đây cũng là tiêu chí được một số thành phố lớn như Seoul, Singapore, Bandung (Indonesia)... lựa chọn khi tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO.
Việc Hà Nội đã chính thức trở thành một trong những Thành phố Sáng tạo của UNESCO, tạo điều kiện giúp Thủ đô Hà Nội có thể biến sáng tạo và công nghiệp văn hóa trở thành một trong những cốt lõi của phát triển; tạo cơ hội để Hà Nội tăng cường hội nhập quốc tê, tham gia các hoạt động do các TP thành viên khác tổ chức; huy động được nguồn lực, tri thức, học hỏi kinh nghiệm từ các thành phố thành viên và của tổ chức UNESCO...
Thứ trưởng Lê Hoài Trung ví dụ như với Berlin (Đức), sau khi gia nhập “Mạng lưới các thành phố sáng tạo” vào năm 2005, TP này đã lựa chọn một cách tiếp cận phức hợp đối với kinh tế, văn hóa, sáng tạo và dần chứng minh được vai trò là một Thủ đô văn hóa của châu Âu thông qua những thành tựu về văn hóa, xã hội và kinh tế.

“Hà Nội sẽ phải cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của TP, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực sáng tạo thiết kế, cũng như nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thủ đô Sáng tạo” - Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong tọa đàm cấp cao “Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội - Thành phố Sáng tạo” diễn ra nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và chào mừng Đại hội Đại biểu TP Hà Nội lần thứ XVII Đảng bộ TP.

Mạng lưới “Các Thành phố Sáng tạo UNESCO” được thành lập năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh quốc tế với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.


“Quý vị đã giương cao ngọn đuốc của nền văn hóa hòa bình trong nhiều thập kỷ và giờ đây, với danh hiệu Thành phố Sáng tạo, mọi người tái khẳng định cam kết của mình đối với sự phát triển lấy con người làm trung tâm” - Ông Michael Croft - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam