Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ việc bảo tồn tranh cổ động của họa sĩ Trường Sinh đến ý tưởng không gian nghệ thuật cộng đồng

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở VH&TT và UBND quận Ba Đình đang hoàn tất thủ tục cũng như công đoạn di dời bức tranh tường cổ động của họa sĩ Trường Sinh - người được mệnh danh là “vua tranh cổ động” từ khu vực chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng) đến vỉa hè đường Trần Quang Khải (quận Ba Đình) để bảo tồn. Không gian và hình thức tạo dựng được tính đến để vừa giữ gìn công trình nghệ thuật cộng đồng, vừa kể câu chuyện lịch sử của tranh.

Bức tranh cổ động ở khu vực chợ Mơ trước khi bị tháo dỡ. Ảnh: Trường Sơn
Giải cứu tranh tường
Theo họa sĩ Trường Sơn – con trai của họa sĩ Trường Sinh, tác giả 2 bức tranh tường đặt tại khu vực chợ Mơ (thuộc ngã tư Minh Khai – Bạch Mai – Đại La – Trương Định), vào năm 1981 - 1982 để chuẩn bị chào mừng 30 năm ngày Giải phóng Thủ đô, họa sĩ Trường Sinh đã được Nhà nước đặt hàng thực hiện công trình tranh tường cổ động và tượng đài ở khu vực ngã 5 Ô Chợ Dừa, ga Yên Phụ, tác phẩm gò đồng biểu tượng công binh… Tất cả các tác phẩm nghệ thuật cộng đồng này đều đã được phá dỡ từ những năm trước để phục vụ xây dựng các công trình đô thị.
“Sau khi phá dỡ vài tháng, bạn bè thông báo tôi mới biết nên không kịp cứu tranh. Song, vì đây là các công trình chưa xếp hạng nên chủ đầu tư được phép chủ động phá dỡ mà không cần thông báo hay làm các quy trình bảo tồn. Chỉ là giới họa sĩ và gia đình tiếc cho một công trình nghệ thuật cộng đồng mang dấu ấn của thời kỳ bắt đầu đi lên xây dựng xã hội chủ nghĩa nên đã bày tỏ ước muốn giữ tranh” – họa sĩ Trường Sơn cho hay
Còn 2 bức tranh ở khu vực chợ Mơ cũng nằm trong vị trí mở rộng đường Vành đai 2 nên cũng được xúc ủi từ tháng 2/2020. Với 2 bức tranh này, gia đình và giới họa sĩ kịp thời nắm bắt thông tin nên có những động thái giải cứu khi dự án đang thực hiện. Trong đó, bức tranh gắn gốm mô tả một cô gái trẻ cầm hoa vẫy chào đón khách ở cửa ô Hà Nội được họa sĩ Trường Sơn tháo từng mảnh mang cất giữ, chờ tạo dựng lại trong không gian riêng của gia đình tại ngoại thành Hà Nội.
Còn bức tranh đắp vữa 5 nhân vật được tạo hình khỏe khoắn, trẻ trung nhằm cổ vũ tinh thần đoàn kết của thanh niên trong tất cả các lĩnh vực nghề nghiệp của xã hội, đòi hỏi việc di chuyển cả mảng tường. Hiện nay, tranh được một nhóm của Đại học Kiến trúc Hà Nội thực hiện kỹ thuật di dời theo hợp đồng với ông Martin Rama - Giám đốc Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Kể câu chuyện lịch sử tranh
Thực tế, bức tranh tường cổ động thực hiện bằng chất liệu vữa của họa sĩ Trường Sinh đã bị phá hủy 1/3. Ngay sau khi nắm bắt được thông tin, ông Martin Rama đã gửi thư cho Chủ tịch UBND TP đề nghị bảo tồn bức tranh. Phúc đáp thư, đồng thời đánh giá cao giá trị công trình, Hà Nội đã ra công văn yêu cầu Sở VH&TT phối hợp với các địa phương tìm vị trí bảo tồn hợp lý. Sau thời gian bàn bạc, các đơn vị đi đến thống nhất đặt tranh tường cổ động của họa sĩ Trường Sinh tại vỉa hè đường Trần Quang Khải, đoạn nối lên cầu Long Biên. “Lúc đầu vì nhầm tưởng vị trí đó là địa phận thuộc quận Hoàn Kiếm nhưng nay xác định đây là vị trí thuộc quận Ba Đình nên thời gian thực hiện các thủ tục sẽ phải làm lại. Sau khi xong hồ sơ chấp thuận, chúng tôi sẽ tiến hành làm móng, di dời tranh và phục chế 1/3 phần tranh đã bị phá bỏ. Dự kiến sẽ hoàn thành trước tháng 10/2020” – họa sĩ Trường Sơn cho biết.
KTS Nguyễn Trương Quý nhận xét, hai bức tranh cổ động của họa sĩ Trường Sinh có một phong cách gần với các tranh cổ động Xô - Viết, song cũng có những nét đặc trưng nhằm gợi ra một hình tượng Hà Nội thời hậu chiến, mang tình cảm của cư dân lúc ấy. Tồn tại gần 40 năm trên đường phố Hà Nội, tranh cổ động của họa sĩ Trường Sinh trở thành công trình thân quen với người dân. Chính vì vậy, không chỉ nội dung tranh mà lịch sử tồn tại của bức tranh cũng đã là một câu chuyện văn hóa.
Con trai họa sĩ Trường Sinh cho rằng, ông sẽ cùng các đồng nghiệp của mình phục chế phần tranh đã mất bằng màu đen trắng để phân biệt với bản gốc của tranh, nhằm kể câu chuyện thú vị về tác phẩm này. Sau khi hoàn thành công trình tại vị trí đã dự kiến, ông Sơn hy vọng sẽ tạo ra một trục kết nối giữa phố tranh bích họa Phùng Hưng, dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, để tạo ra một trục không gian nghệ thuật cộng đồng ý nghĩa, mang nhiều màu sắc cho Hà Nội.