Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tưng bừng khai hội truyền thống Chùa Láng

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/4, tại Chùa Láng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa) đã diễn ra Lễ khai hội truyền thống xuân Mậu Tuất 2018.

Theo Ban Tổ chức, chùa được xây dựng vào thế kỷ thứ 12 dưới thời vua Lý Anh Tông và được xây ngay trên nền nhà Phụ mẫu của Thiền sư Từ Đạo Hạnh (một thiền sư nổi tiếng thời Lý). Chùa thờ Phật, thờ vua Lý Thần Tông và thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chùa đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hoá quốc gia năm 1962.
Về kiến trúc, cổng ngoài cùng phía trước chùa chính là cửa Tam Thiền (còn gọi là cửa Tam Triều). Hai bên có hai ông Voi chầu phục. Bên trong chùa là Lầu Bát giác ở giữa sân với mái chồng 2 tầng và 16 mái với những đầu đao cong vút uốn lượn thanh thoát. Gian chính của chùa được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc đúng 100 gian. Tiền đường cao, hai mái phía trên có lầu 4 mái cong. Chùa có trên 60 bức hoành phi, câu đối. Hệ thống tượng thờ trong chùa có tới 198 pho với niên đại trải dài từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19…

Trước đây, hội Láng không phải được tổ chức hàng năm mà cứ phải vào những lúc mưa thuận gió hoà, khi vận hội thanh bình, nhà nhà no ấm hội mới được mở. Tuy nhiên, ngày nay, hàng năm từ ngày mùng 6 - 8/3 Âm lịch dân làng lại tổ chức Hội và chọn ngày mùng 7/3 âm lịch là ngày chính Hội. Theo tương truyền đó là ngày sinh của Thiền sư Từ đạo Hạnh - vị thánh của làng Láng và được dân làng thờ phụng tại ngôi chùa này.

Lễ hội Chùa Láng tuy đơn giản hơn nhưng vẫn được tổ chức theo nghi lễ truyền thống. Theo đó, phần tế do các cụ hai giới chủ trì và sau đó là lễ dâng hương của các cụ có thâm niên trong làng. Phần hội ngoài biểu diễn văn nghệ còn có rất nhiều trò chơi dân gian mang đậm nét bản sắc truyền thống văn hóa Việt như: Đấu võ, chọi gà, cờ người...
Một số hình ảnh tại Lễ khai hội truyền thống Chùa Láng: