Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuyên chiến với chuyển giá, trốn thuế

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Các chiêu thức chuyển giá, trốn thuế của khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang diễn biến ngày một phức tạp, tinh vi.

Để hạn chế tình trạng này, Dự thảo Nghị định quy định về quản lý giá chuyển nhượng các giao dịch liên kết chống thất thu ngân sách đã được xây dựng và vừa đưa ra lấy ý kiến góp ý.
Chuyển giá tinh vi
Thời gian qua, khu vực DN FDI đã và đang bộc lộ những vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực, trong đó nhức nhối nhất là việc chuyển giá, trốn thuế, tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật. Tình trạng này gây thất thu ngân sách, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các DN trong nước, tác động không tốt đến môi trường đầu tư…

CocaCola Việt Nam liên tục báo lỗ để miễn nộp thuế trong nhiều năm qua. Ảnh: Phạm Hùng

Đơn cử như CocaCola, trong hơn 20 năm đầu tư tại Việt Nam, công ty này liên tục báo lỗ, lỗ lũy kế tính đến 30/9/2011 lên tới 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng. Vì lỗ liên tục nên  DN không phải đóng thuế thu nhập DN (TNDN), trong khi doanh thu liên tục tăng từ 20 - 30%/năm. Hay như Metro, hoạt động tại Việt Nam từ năm 2002, sau 14 năm, doanh thu tăng gấp 24 lần nhưng vẫn liên tục báo lỗ, với lý do doanh thu chưa bù đắp giá vốn hàng mua và chi phí bỏ ra. Năm 2014, sau mấy tháng thanh tra, cơ quan thuế đã từng truy thu hơn 500 tỷ đồng của DN này.
Big C, Metro, CocaCola… là một số ít trong hàng nghìn DN FDI đang bị cơ quan thuế Việt Nam đưa vào “tầm ngắm” chống chuyển giá, trốn thuế. Chuyển lãi về công ty mẹ, kê khai giá đầu vào cao, chuyển chi phí ra nước ngoài hoặc lòng vòng trong các công ty liên kết… là những chiêu mà một số DN FDI vẫn thường dùng để chuyển giá, trốn thuế. Điều đáng nói là việc xác minh các chi phí này không dễ vì các nguyên, hương liệu sử dụng tại các DN này do công ty mẹ ở nước ngoài độc quyền cung cấp. Vì thế không có cơ sở so sánh, đối chiếu giá nguyên, hương liệu với các DN khác cùng ngành nghề. Cũng không thể lấy chi phí nguyên, phụ liệu của DN Việt Nam cùng ngành nghề để so sánh vì các DN này nhập khẩu nguyên, vật liệu nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Cuộc chiến chống chuyển giá, trốn thuế vì thế vẫn hết sức gian nan.
Năm 2015, cơ quan thuế các cấp đã thanh tra, kiểm tra 2.500 DN có dấu hiệu chuyển giá, qua đó đã giảm lỗ trên 6.500 tỷ đồng, truy thu, truy hoàn và phạt trên 600 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước (NSNN). Trước đó, năm 2014, với việc tiến hành thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá tại 2.866 DN khai báo kinh doanh thua lỗ, DN nghi ngờ có dấu hiệu chuyển giá và DN có hoạt động giao dịch liên kết (tăng 36,7% so với năm 2013), cơ quan thuế đã xử lý giảm lỗ hơn 5.830 tỷ đồng, truy thu, truy hoàn và phạt gần 1.701 tỷ đồng, tăng tương ứng 39% và 72% so với năm 2013. Trong đó, riêng việc thanh tra, kiểm tra đối với 30 DN FDI lớn có giao dịch liên kết, cơ quan thuế đã giảm lỗ trên 5.000 tỷ đồng, sau khi miễn giảm thuế do ưu đãi đầu tư, đã truy thu thuế TNDN và xử phạt vi phạm trên 1.500 tỷ đồng.
Đại diện Công ty CP Bánh kẹo T&T cho hay, DN FDI chuyển giá để trốn thuế không chỉ làm thất thu NSNN, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các DN trong nước, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.
Lỗ liên tục 3 năm sẽ vào “tầm ngắm”
Để hạn chế "chảy máu" ngân sách từ khối DN FDI, Bộ Tài chính đã công khai lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định quy định về quản lý giá chuyển nhượng của các giao dịch liên kết, chống chuyển giá, chống thất thu NSNN. Theo đó, những DN có giao dịch liên kết đã kinh doanh thua lỗ liên tục 3 năm trở lên nhưng tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ vào diện bị thanh tra, kiểm tra thuế.
Dự thảo cũng quy định về trách nhiệm của cơ quan bộ, ngành trong công tác quản lý giá chuyển nhượng. Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về giá chuyển nhượng của các bên có quan hệ liên kết. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH&ĐT, Bộ Công Thương, Bộ KH&CN, Bộ TT&TT… có trách nhiệm phối hợp cung cấp cho Bộ Tài chính thông tin về các giao dịch liên quan như chủ tài khoản, nội dung giao dịch, người liên quan, dữ liệu về các khoản vay, các thông tin liên quan đối với các dự án đầu tư, chuyển giao công nghệ…
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, khối DN FDI đã có vốn mạnh, lại được hưởng nhiều ưu đãi khi đầu tư vào Việt Nam. Nếu không thanh tra, kiểm tra được việc họ chuyển giá, trốn thuế thì DN nội lại càng lép vế. Do vậy, việc đưa ra dự thảo Nghị định chống chuyển giá trốn thuế là điều rất cần thiết. Đây sẽ là công cụ hợp lý để ngăn chặn tình trạng chuyển giá, trốn thuế của các DN.
Năm 2016, ngành thuế tập trung nguồn lực, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra thuế. Theo đó, DN thuộc các ngành, lĩnh vực có dư địa thu lớn, tiềm ẩn rủi ro về trốn thuế, gian lận thuế cao là những đối tượng được tăng cường thanh, kiểm tra. DN có giao dịch liên kết, dấu hiệu chuyển giá, DN được hưởng ưu đãi miễn, giảm, hoàn thuế là đối tượng thuộc diện kiểm tra.
Ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn, Tổng cục Thuế 

Có 3 giải pháp để hạn chế việc trốn thuế, nợ thuế, chuyển giá. Thứ nhất, đó là cần sửa đổi luật lệ theo hướng đơn giản hóa, hợp lý và minh bạch các chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Thứ hai, cần có các quy định chặt chẽ hơn liên quan đến xác định chi phí đầu vào, đầu ra của DN và cơ chế, chính sách chặt chẽ để xử lý kịp thời khi sự việc xảy ra. Thứ ba, với những DN xuyên quốc gia, phải có sự hợp tác với quốc tế.
Chuyên gia kinh tế Trương Thanh Đức