Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuyển sinh lớp 10: Ưu tiên học sinh giỏi cấp tỉnh tạo hiệu quả kép

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Khi khối trường THPT chuyên thuộc các trường ĐH, trường THPT chất lượng cao trong và ngoài công lập có nhiều cơ chế thu hút học sinh giỏi thì khối trường THPT công lập (chuyên và không chuyên) không được trao cơ chế gì để thu hút tuyển sinh.

Sức cạnh tranh của trường chuyên thuộc tỉnh giảm

Nhìn về kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 hiện nay, một giáo viên trường chuyên tại Hà Nội đã chỉ ra nghịch lý, đó là học sinh do trường mình đào tạo, bồi dưỡng, sau khi đạt giải cao lại sang hệ thống trường khác học. Nguyên nhân bởi, các trường THPT công lập, trong đó có trường chuyên không có chính sách động viên, khuyến khích hay ưu đãi gì với học sinh giỏi khi tuyển đầu vào lớp 10. Thiệt thòi này là quá lớn, làm giảm sức cạnh tranh của công tác tuyển sinh khối trường công.

Các trường THPT chuyên thuộc địa phương không có cơ chế thu hút thí sinh tại kỳ thi lớp 10
Các trường THPT chuyên thuộc địa phương không có cơ chế thu hút thí sinh tại kỳ thi lớp 10

Theo giáo viên này, hằng năm, ngoài việc bị hao hụt số học sinh được tuyển thẳng do đạt giải Nhất học sinh giỏi cấp TP thì cũng có một số học sinh chọn học các trường THPT tư thục chất lượng cao vì không những các em được tuyển thẳng mà còn được các trường tư trải thảm đỏ mời gọi bằng mức học bổng hấp dẫn lên đến 100% hoặc toàn phần cho toàn cấp học. Các trường còn hứa hẹn sẽ mời các chuyên gia, giáo viên giỏi về phụ đạo miễn phí cho nhóm học sinh nòng cốt và xuất sắc.

Hoặc như một số trường THPT không chuyên trực thuộc ĐH, trường THPT công lập tự chủ tài chính chất lượng cao, học sinh đạt giải chính thức tại kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh cũng được cộng điểm khuyến khích. Trong khi đó, các trường THPT công lập (chuyên và không chuyên) thì lặng lẽ, không có bất cứ ưu đãi hay chế độ khuyến khích nào để lôi cuốn học sinh giỏi. Chẳng những thế, muốn học các trường này, các em buộc phải trải qua kỳ thi tuyển với 3 hoặc 4 môn thi giống các học sinh khác.

Chia sẻ về điều này, Hiệu trưởng  Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc (tỉnh Vĩnh Phúc) Hoàng Mạnh Du cho biết: Theo dõi mỗi năm, tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 8-12 học sinh xuất sắc, đạt giải cao tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 chọn học tại các trường THPT chuyên trực thuộc ĐH tại Hà Nội, trong đó có cả học sinh đạt giải Nhất được tuyển thẳng

“Để giữ chân và thuyết phục học sinh học tại chuyên tỉnh, các thầy cô giáo thậm chí còn đến tận nhà gặp gỡ, động viên các em. Khi gia đình em nói rằng, chọn trường chuyên thuộc ĐH, em không phải ôn luyện nữa mà được tuyển thẳng, trong khi đó muốn học chuyên tỉnh lại phải ôn và thi nhiều môn, bao gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ, môn chuyên. Không những thế, Giấy chứng nhận đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh của em không có tác dụng, do vậy cả các em và gia đình các em đều từ chối”- Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc kể.

Cũng như các giáo viên trường chuyên khác thuộc địa phương, thầy Hoàng Mạnh Du cho rằng, việc không có cơ chế ưu tiên, khuyến khích làm hao hụt khá lớn lượng HS giỏi của tỉnh/TP, gây nên nhiều khó khăn cho công tác bồi dưỡng đội tuyển quốc gia bậc THPT sau này.

Cụ thể, việc không được cộng khuyến khích phần nào làm giảm chất lượng các kỳ thi học sinh giỏi. Khi có cơ chế giải Nhất được tuyển thẳng, học sinh và gia đình sẽ đặt quyết tâm cao nhất vào môn thi; còn khi không được hưởng chế độ ưu tiên gì, việc thuyết phục học sinh có tố chất tham dự đội tuyển sẽ khó hơn và quyết tâm thi đạt giải cao trong các em cũng phần nào bị giảm sút.

Tìm phương án tối ưu

Thầy Bùi Mạnh Tùng, Tổ trưởng Tổ tự nhiên Trường THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội), đồng thời cũng là Chủ nhiệm đội tuyển Toán của quận Hoàn Kiếm cho rằng, nếu không cộng điểm cho học sinh giỏi cấp TP, phần nào khiến học sinh và phụ huynh cảm thấy công sức của mình chưa được thực sự ghi nhận. Tuy nhiên, nếu cộng điểm ưu tiên cũng khó tạo công bằng, bởi theo quy định của TP, mỗi quận, huyện sẽ chỉ được cử 10 học sinh giỏi ở từng môn tham gia kỳ thi cấp TP cho nên ngay từ vòng loại chọn học sinh giữa các quận, huyện đã có độ chênh nhất định vì trình độ học sinh ở các quận, huyện không giống nhau.

Cơ chế động viên học sinh giỏi cấp tỉnh sẽ tạo hiệu quả kép, cho cả nhà trường và cho học sinh
Cơ chế động viên học sinh giỏi cấp tỉnh sẽ tạo hiệu quả kép, cho cả nhà trường và cho học sinh

Bên cạnh đó, theo thầy Bùi Mạnh Tùng, việc cộng điểm ưu tiên cũng gây thiệt thòi cho một số thí sinh thi học sinh giỏi các môn như Giáo dục công dân, Khoa học hay Tin học nếu các em thi chuyên.

Với môn Tin học, học sinh thi vào lớp 10 chuyên Tin phải thi thông qua môn Toán, hay môn Giáo dục công dân không có môn chuyên. Như vậy các em nỗ lực học ôn rất nhiều nhưng lại không được sử dụng kết quả của quá trình ôn luyện học sinh giỏi khi thi vào lớp 10. 

Còn thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Không chỉ riêng Hà Nội mà các tỉnh thành khác, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có tỷ lệ chọi rất cao. Việc cộng điểm là chính sách khuyến tài quan trọng giúp học sinh yêu thích bộ môn đó hơn và tạo hiệu quả kép, vừa giúp các trường THPT tuyển được học sinh giỏi, vừa tạo cơ hội để các bộ môn có học sinh chuyên trong giai đoạn sắp tới; không những vậy cũng tạo động lực cho học sinh".

Đề xuất cơ chế động viên cho nhóm đối tượng này, thầy Hoàng Mạnh Du, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc nêu ý kiến: Với học sinh giải Nhất môn nào sẽ tuyển thẳng vào lớp chuyên môn đó; các giải còn lại sẽ được cộng điểm khuyến khích vào tổng điểm (nếu thi lớp 10 công lập không chuyên) hoặc cộng điểm khuyến khích vào môn chuyên (tương ứng môn đạt giải khi thi lớp chuyên).

Như vậy, với học sinh thi các môn mà trường chuyên không có lớp (Giáo dục công dân, Khoa học...) phải chấp nhận, nếu muốn hưởng khuyến khích thì các em nên đăng ký lớp 10 công lập không chuyên.

Theo thầy Hoàng Mạnh Du, mỗi năm có một số lượng giải Nhất nhất định tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/TP. Số lượng tuyển mỗi lớp chuyên lại khiêm tốn, do vậy không thể tuyển thẳng tất cả học sinh đạt giải Nhất. Nếu tuyển thẳng cũng sẽ tuyển thẳng tỷ lệ nhất định, ví dụ 10-20% chỉ tiêu xét tuyển thẳng, còn lại 80-90% chỉ tiêu là thi tuyển.

Kỳ thi vào lớp 10 chuyên gồm môn điều kiện và môn chuyên, trong khi thi học sinh giỏi cấp tỉnh/TP chỉ thi 1 môn. Do vậy, đưa ra giới hạn chỉ tiêu tuyển thẳng sẽ góp phần tạo công bằng hơn cho thí sinh. Hai trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên và Chuyên ĐH Sư phạm đang áp dụng mức tuyển thẳng tối đa 10% chỉ tiêu.

Ngoài ra, với tuyển thẳng sẽ xây dựng bộ tiêu chí cứng, xét tuần tự, đó là: Điểm đạt được tại kỳ thi học sinh giỏi, điểm trung bình môn chuyên năm lớp 9, điểm trung bình môn chuyên 4 năm THCS và điểm trung bình chung 4 năm THCS. Nếu số hồ sơ tuyển thẳng nộp vào các trường nhiều hơn chỉ tiêu, các trường sẽ xét tuyển theo một số tiêu chí nêu trên. Mức độ của các tiêu chí do từng trường tự xây dựng trên cơ sở phù hợp nhất.

Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 là kỳ thi nghiêm túc, chất lượng từ khâu phát hiện, chọn lọc, bồi dưỡng học sinh đến ra đề, coi thi, chấm thi… Đây là kỳ thi chính thức do Sở GD&ĐT địa phương tâm huyết và bỏ ra nhiều nhân lực, vật lực, thời gian tổ chức.

Để không lãng phí tài năng, tạo sự công bằng cho các cơ sở giáo dục và cho học sinh, không chỉ Hà Nội, Vĩnh Phúc mà nhiều địa phương trên cả nước vẫn kiên trì đề xuất thực hiện cơ chế động viên, khuyến khích với học sinh đạt giải bởi đây vừa là chính sách khuyến tài, tạo công bằng cho học sinh lại vừa tạo bình đẳng trong tuyển sinh giữa các nhà trường.