"Thành thật mà nói, chúng tôi rất ngạc nhiên... Tôi thực sự nghĩ rằng, với Nord Stream 2, Mỹ chính là tiền đồn cuối. Chỉ có Mỹ mới có khả năng ngăn chặn việc xây dựng nó", Tổng thống Ukraine thừa nhận rằng chỉ được biết về quyết định của chính quyền Tổng thống Joe Biden thông qua báo chí.
Tổng thống Zelensky lưu ý rằng, ông đã tin tưởng vào nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn dự án đường ống dẫn của Nga mà Ukraine cho là "mối đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng", và đã nhận được tín hiệu hưởng ứng từ ông Biden trong cuộc điện đàm đầu tiên của họ.
Đó là lý do tại sao tin tức về việc từ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với Nord Stream 2 đã khiến ông Zelensky "vô cùng ngạc nhiên". Cũng theo Axios, Tổng thống Ukraine Zelensky gọi Nord Stream 2 là "vũ khí trong tay Nga", mà Mỹ đang trở thành bên "cung cấp những viên đạn".
Nord Stream 2 là một dự án quốc tế nhằm xây dựng một đường ống dẫn khí đốt chạy qua đáy biển Baltic từ bờ biển Nga đến Đức, gây lo ngại sẽ bỏ qua các quốc gia thường làm nhiệm vụ trung chuyển khí đốt vào châu Âu như Ukraine, Belarus, Ba Lan, cùng một số nước Đông Âu và vùng Baltic khác.
Bình luận về quan điểm tiêu cực của Kiev đối với việc xây dựng Nord Stream 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây nhấn mạnh, hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine vẫn có thể được sử dụng ngay cả khi hợp đồng trung chuyển hiện tại đã hết hạn.
"Mọi thứ đều có thể xảy ra và chúng tôi đã sẵn sàng, nhưng với điều kiện cần là thiện chí từ các đối tác Ukraine", nhà lãnh đạo Nga phát biểu tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg hôm 4/6.
Trong khi đó, người phát ngôn Nội các Đức Steffen Seibert cho biết trong một bài bình luận đăng trên nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung rằng, việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine vẫn cần được tiếp tục sau khi Nord Stream 2 được đưa vào vận hành.
"Ukraine nên duy trì vị thế của một quốc gia trung chuyển khí đốt ngay cả sau khi khởi động Nord Stream 2. Sau khi ký hợp đồng vận chuyển với sự trung gian của EU và chính phủ Đức, Nga và Ukraine đã vạch ra lộ trình cho điều đó và là một tín hiệu quan trọng liên quan đến an ninh nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu", ông Seibert nói, "chúng tôi hy vọng rằng gói thỏa thuận chung này sẽ được tuân thủ".
Johann Wadephul, Phó trưởng phái Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) tại Quốc hội Đức, nói rằng Đức khẳng định chương trình cung cấp khí đốt cho Ukraine vẫn tiếp tục mà không cần các điều kiện chính trị. Ông nhận định, Tổng thống Putin và Biden - những người dự kiến sẽ gặp nhau tại Geneva vào ngày 16/6 tới - sẽ thảo luận về vấn đề tiếp tục vận chuyển khí đốt qua Ukraine.