Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ukraine thừa nhận thực tế đáng buồn từ các đồng minh phương Tây

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người đứng đầu ngành tài chính Ukraine cho biết, các quốc gia viện trợ quân sự cho Kiev ngày càng bị phân tâm bởi các vấn đề trong nước và căng thẳng ở Trung Đông.

Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergey Marchenko. Ảnh: Getty
Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergey Marchenko. Ảnh: Getty

Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergey Marchenko hôm 14/10 nói với Reuters rằng việc đảm bảo hỗ trợ tài chính của Kiev ngày càng khó khăn khi các nước phương Tây chuyển trọng tâm sang những vấn đề trong nước và căng thẳng địa chính trị khác. 

Phát biểu bên lề cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới tại Marrakech, Bộ trưởng Marchenko cho biết Ukraine hiện phải “nỗ lực gấp đôi để thuyết phục các đối tác hỗ trợ cho Kiev so với các cuộc họp thường niên trước”.

Bộ trưởng Ukraine nêu rõ: “Tôi cảm nhận rõ sự mệt mỏi của các đồng minh phương Tây, dường như họ muốn quên đi cuộc chiến nhưng mọi thứ vẫn đang tiếp diễn, trên quy mô toàn diện”.

Theo ông Marchenko, yếu tố khiến phương Tây bị phân tâm trong thời điểm hiện tại là cuộc xung đột giữa nhóm chiến binh Hamas - lực lượng kiểm soát Gaza, và lực lượng Phòng vệ Israel.

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo cuộc xung đột này có thể lan rộng khắp Trung Đông, làm gián đoạn toàn bộ nền kinh tế toàn cầu vì khu vực này tập trung nhiều nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới và là trung tâm vận chuyển quan trọng.

Bộ trưởng Marchenko cũng chỉ ra cuộc bầu cử trong năm 2024 ở Mỹ và châu Âu cũng có thể khiến vấn đề Ukaine bị xao nhãng. Ông nhấn mạnh rằng "sự thay đổi địa chính trị và bối cảnh chính trị nội bộ ở các quốc gia khác nhau" đang khiến các nước đồng minh ít tập trung hơn vào việc hỗ trợ Ukraine.

Chính quyền Kiev cần sự hỗ trợ tài chính của phương Tây để đáp ứng phần lớn yêu cầu chi tiêu ngân sách 43 tỷ USD vào năm 2024. “Chúng tôi đã nhận được một số cam kết, bao gồm 5,4 tỷ USD từ chương trình IMF. Chúng tôi mong muốn có thêm các cam kết từ Nhật Bản và Vương quốc Anh, cũng như từ các đối tác và đồng minh chính là Mỹ và Liên minh châu Âu” - ông Marchenko cho hay.

Quan chức này tiết lộ thêm Ukraine cũng đang tìm cách cơ cấu lại nợ quốc tế và đảm bảo nguồn tài chính mới, nhưng chưa đưa ra khung thời gian cụ thể. 

Hồi đầu tuần này, ông Marchenko viết trên X (trước đây là Twitter) rằng Ukraine nhận được viện trợ trị giá 1,2 tỷ USD từ Mỹ, nâng mức hỗ trợ của Washington dành cho Kiev trong năm nay lên 10,9 tỷ USD. Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết viện trợ 18 tỷ euro (18,9 tỷ USD) cho Ukraine trong năm nay và Brussels hiện đang xem xét một gói hỗ trợ trị giá 50 tỷ euro khác sẽ được phân bổ trong giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2027.

Ngoài ra, Bỉ đã công bố vào đầu tuần này rằng họ sẽ chuyển sang Ukraine doanh thu thuế trị giá 1,7 tỷ euro (1,8 tỷ USD) được tạo ra từ các tài sản của Nga bị đóng băng.

Theo Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, khoản hỗ trợ 1,7 tỷ euro sẽ được chuyển giao cho Kiev trong năm 2024 để hỗ trợ thiết bị quân sự, nhân đạo và tái thiết.

Ước tính Trung tâm thanh toán bù trừ Euroclear có trụ sở tại Bỉ đang nắm giữ tài sản trị giá 196,6 tỷ euro tài sản Nga. Phần lớn số tài sản mà Euroclear nắm giữ thuộc sở hữu của ngân hàng trung ương Nga.

EU đã đóng băng tổng cộng 207 tỷ euro tài sản và dự trữ của Nga kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra.

Giới chức EU đã nhiều lần kêu gọi sử dụng tài sản của Nga bị đóng băng để tái thiết Ukraine. Tuy nhiên, hiện chưa có quyết định nào liên quan tới tài sản Nga được đưa ra do tính chất phức tạp và lo ngại động thái như vậy sẽ làm suy yếu đồng euro.

Về phần mình, Nga phản đối mạnh mẽ việc sử dụng tài sản bị phong tỏa của mình để viện trợ cho Ukraine, cho rằng hành động này đi ngược lại luật pháp quốc tế.