Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng dụng gọi xe: Khe cửa hẹp cho doanh nghiệp Việt

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước cuộc cạnh tranh gay gắt giành miếng bánh thị phần gọi xe công nghệ, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, các doanh nghiệp gọi xe công nghệ Make in Vietnam vẫn có thể tạo ra chiến lược riêng để khẳng định vị thế trên chính sân nhà.

Cạnh tranh khốc liệt

Theo báo cáo của Google, Temasek và Brain & Company, với tốc độ tăng trưởng 38%, quy mô thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam có thể đạt 4 tỷ USD vào năm 2025 đã cho thấy lĩnh vực này là vô cùng tiềm năng trong vài năm tới. Tuy nhiên, trên thực tế phần lớn thị phần trong nước đang phần lớn thuộc về các nền tảng ngoại..

Nghiên cứu của ABI Research cho thấy, trong năm 2020, Grab dẫn đầu về thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam với 74,6% thị phần. Hãng này đã có mặt tại nhiều tỉnh thành lớn trên cả nước và phủ khắp từ Bắc tới Nam như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Vũng Tàu, TP.HCM, Cần Thơ…. Dù rằng hiện tại giá các cước xe không còn rẻ như thời điểm mới vào Việt Nam nhưng ngày càng có nhiều người dùng coi đây là lựa chọn đầu tiên khi muốn di chuyển bằng xe công nghệ.

 Ứng dụng gọi xe Việt đang rất lép về trước các thương hiệu nước ngoài
Bên cạnh đó, một hãng ngoại khác là Gojek cũng tạo cho mình chỗ đứng nhất định với 12,3% thị phần. Đáng chú ý, hãng này mới chỉ chuyển đổi từ thương hiệu GoViet sang hồi tháng 8/2020 nhưng tới nay đã có bước phát triển thần tốc khi cán mốc 200.000 đối tác tài xế xe máy vào đầu tháng 4/2021. Với tiềm lực hùng hậu từ công th mẹ Gojek Indonesia, tromg thời gian tới nhiều khả năng thị phần của ứng dụng này sẽ tiếp tục được mở rộng.

Miếng bánh ít ỏi còn lại với khoảng 13% thị phần nằm trong tay của các hãng xe công nghệ Make in Vietnam. Trong số này, Be, ứng dụng gọi xe công nghê Make in Vietnam còn dẻo dai trong cuộc đua khi có 12,4% thị phần nhưng đang bị Gojek bám đuổi quyết liệt.

Ngoài Be, có trên dưới 10 hãng gọi xe công nghệ Make in Vietnam đi vào hoạt động như: Be, Vato, Mailinh Car, MyGo và FastGo, viApp, GV Asia... Thế nhưng các hãng xe công nghệ chỉ để lại dấu ấn mờ nhạt trên chính sân nhà dù ra đời khá rầm rộ.

Đã có những ứng dụng phải rời cuộc chơi do không chịu được sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Cụ thể như ứng dụng Aber do nhóm kỹ sư người Việt du học tại châu âu phát triển và ra mắt tháng 6/2018 với chính sách không thu chiết khấu tài xế, tung ra nhiều sản phẩm dịch vụ như xe máy, ô tô, giao hàng, xe doanh nghiệp... nhưng sau đó một thời gian ngắn Aber đã thông báo dừng hoạt động.

Từng tham vọng đánh bật Grab, Mai Linh đưa ra khi Mai Linh Bike. Mặc dù có giá cước hấp dẫn, không tăng giá vào giờ cao điểm, nhưng hãng này lại gần như không có khuyến mại hấp dẫn khách hàng, ứng dụng chậm, số lượng lái xe hạn chế khiến nhiều khách hàng thất vọng về sự trải nghiệm.

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu các hãng xe công nghệ Make in Vietnam không có đủ tiềm lực và có một chiến lược tốt thì sẽ không có thị phần và thất bại là điều khó tránh khỏi.

Thực tế, những chính sách khuyến mãi cho lái xe và người dùng hầu hết đều khiến các công ty phải bỏ tiền túi bù lỗ, để chiếm lĩnh thị phần các đại gia xe ôm công nghệ phải chấp nhận cuộc chơi “đốt tiền”. Nếu không đủ lực tài chính như Grab hay Gojek, các ứng dụng gọi xe Việt rất khó trụ vững tại  thị trường.

Bà Nguyễn Hoàng Phương, CEO Be Group cho rằng không chỉ khó thu hút vốn đầu tư, các ứng dụng Việt Nam còn vấp phải thách thức lớn bởi tâm lý “sính ngoại” của khách hàng. Điều này khiến thị trường dễ bị chi phối bởi doanh nghiệp ngoại.

Công nghệ là yếu tố sống còn

Khi nói về nền tảng số Make in VietNam có thể cạnh tranh với các ông lớn, CEO Be Group Nguyễn Hoàng Phương cho biết Be đã có cách phải tiếp cận khác với các đối thủ cạnh tranh.

Thay vì chạy theo cuộc đua siêu ứng dụng như Grab, Be hiện đang xây dựng nền tảng mở, đặt mục tiêu là nhà cung cấp dịch vụ di động cho phép người dùng lập kế hoạch, thanh toán nhiều loại dịch vụ trên một nền tảng.

Vẫn duy trì mảng gọi xe công nghệ, nhưng Be tiếp tục mở rộng chuỗi liên kết với các doanh nghiệp vận tải khác trong nước như EMDDI, Liên minh taxi việt, Lado hay Vexere.vn để tăng sức mạnh.

Be cũng trú trọng đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp taxi địa phương nhằm kết nối các xe taxi truyền thống lên nền tảng gọi xe công nghệ.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp nhỏ cũng đang đi vào các thị trường ngách như gọi xe đường dài, đi tỉnh hay vận tải hàng hóa.

Để các doanh nghiệp gọi xe công nghệ Make in Vietnam có thể tồn tại và phát triển, theo Chuyên gia kinh tế PGS. TS Ngô Trí Long, lãnh đạo các doanh nghiệp trước hết phải xác định công nghệ là yếu tố sống còn.

Bản thân mỗi doanh nghiệp công nghệ phải có tư duy ứng dụng công nghệ triệt để thay thế con người, cắt giảm chi phí, tăng độ chính xác, đáp ứng nhu cầu với sự tiện ích, tiện lợi của người dùng một cách nhanh chóng.

Ông Long nhận định với thị trường gọi xe công nghệ, điều mà các doanh nghiệp ít quan tâm tới đó là chính sách đối với các đối tác tài xế. Nếu doanh nghiệp thiết lập được một chính sách chiết khấu giá hợp lý, có sự ký kết hợp tác và có sự đãi ngộ phù hợp thì họ sẽ là những đối tác bền vững đối với doanh nghiệp công nghệ Make in Vietnam.

Cũng theo ông Long, dù chưa thể có ưu thế trong cuộc cạnh tranh đường dài này, nhưng sự tồn tại của các ứng dụng công nghệ Make in Vietnam trong thời gian qua cho thấy sức bền khi các doanh nghiệp bắt tay liên minh và đi vào các thị trường ngách với sự thấu hiểu tâm lý và đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Đặc biệt là việc làm chủ công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp Việt có những phản ứng nhanh nhạy để thích ứng ngay khi thị trường thay đổi.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội, Bùi Danh Liên: Các ứng dụng Việt vẫn còn yếu, cả về công nghệ và nguồn lực. Nếu muốn xây dựng thị phần, trước hết các doanh nghiệp công nghệ Make in Vietnam phải tạo ra được một phần mềm thông minh, nhanh nhạy, ưu việt đối với người dùng. Ngoài ra, cần phải có một nguồn lực tài chính dồi dào, chiến lược thông minh để lôi kéo khách hàng, tài xế…