Đến dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà.
Theo UBND huyện Ứng Hòa, trong 9 tháng đầu năm 2022 với sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, sự phối hợp trách nhiệm, hiệu quả các Sở, ngành TP, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân; Huyện đã thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa kiểm soát linh hoạt hiệu quả dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Nền kinh tế của huyện vẫn đạt mức tăng trưởng khá, cơ bản đạt kế hoạch đề ra và nhiều chỉ số phát triển tăng so với cùng kỳ năm trước.
Thu ngân sách trên địa bàn huyện 9 tháng đầu năm ước đạt hơn 290 tỷ đồng, đạt 159% dự toán TP giao và đạt 59,76% dự toán HĐND huyện giao (bằng 150% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng chi ngân sách trên địa bàn huyện 9 tháng đầu năm ước 1.323 tỷ 227 triệu đồng, đạt 57,1% Nghị quyết HĐND huyện giao (bằng 130% so với cùng kỳ năm 2021).
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, hoạt động phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Ứng Hòa còn một số khó khăn như: Công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn chậm tiến độ ở một số dự án; tỷ lệ giải ngân vốn XDCB còn thấp; công tác quản lý đất đai ở một số xã, thị trấn còn chưa chặt chẽ, tình hình vi phạm, lấn chiếm đất đai và vi phạm trật tự xây dựng vẫn còn xảy ra.
Trên cơ sở báo cáo, tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Huyện Ứng Hòa, Phạm Anh Tuấn đưa ra một số kiến nghị như: UBND TP chỉ đạo các Sở, ngành sớm tham mưu, triển khai thực hiện các nội dung kết luận của Bí thư Thành ủy, giải quyết các kiến nghị đề xuất của huyện đã đề xuất tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy với huyện Ứng Hòa.
Xem xét, bổ sung quy hoạch và hỗ trợ đầu tư xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn huyện. Quan tâm đầu tư xây dựng chợ đầu mối Thủy sản tại xã Hòa Lâm; Hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là kết nối các DN đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao...
Trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của TP, đại diện các Sở: NN&PTNT, Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên môi trường, QH&KT, GD&ĐT, KH&ĐT; Ban quản lý các KCN&CX đã báo cáo một số nội dung liên quan, tập trung vào kiến nghị của huyện Ứng Hòa như: Tỷ lệ giải ngân, xây dựng nông thôn mới, nước sạch, khu giết mổ gia súc tập trung, xử lý rác thải, xây dựng hạ tầng giao thông kết nối trong và ngoài huyện, xây dựng cụng công nghiệp…
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà đề nghị: Về lĩnh vực nông thôn mới, UBND huyện Ứng Hòa cần giải quyết vướng mắc về ô nhiễm môi trường, đặc biệt ở các làng nghề. Đề nghị huyện Ứng Hòa cần các giải pháp mạnh, triệt để; Sở TN&MT, Sở NN&PTNT cần đồng hành với huyện.
Về tỷ lệ nước sạch, tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung khu vực nông thôn là 34% (chỉ tiêu TP giao năm 2022 là 40%). Vì vậy, đề nghị Sở Xây dựng, KH&ĐT trong tháng 10 giải quyết các thủ tục đầu tư.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP lưu ý, UBND huyện Ứng Hóa tập trung giải quyết các vấn đề thu ngân sách, công tác giải ngân, giải phóng mặt bằng, các khu cụng công nghiệp.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ghi nhận các kết quả UBND huyện Ứng Hòa đã đạt được trong các lĩnh vực phát triển kinh tế ngành trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chỉ đạo UBND huyện Ứng Hòa, các Sở rà soát các tiêu chí về nông thôn mới, thống nhất cách danh mục, làm công tác đầu tư, triển khai đồng bộ. Lưu ý các lĩnh vực về nguồn nước, quy hoạch kiến trúc, hệ thống giao thông.
Tổng giá trị sản xuất (GTSX) 9 tháng đầu năm 2022 (giá so sánh 2010) ước đạt 9.061 tỷ đồng, đạt 65,7% kế hoạch (tăng 7,66% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó, GTSX Nông nghiệp ước đạt 3.025 tỷ đồng, đạt 64,79% kế hoạch năm (tăng 5,8% so cùng kỳ năm trước); GTSX Công nghiệp - Xây dựng ước đạt 2.504 tỷ đồng, đạt 64,42% kế hoạch năm (tăng 6,05% so với cùng kỳ năm trước); GTSX Thương mại - Dịch vụ ước đạt 3.532 tỷ đồng, đạt 67,47% kế hoạch năm (tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước). Tổng GTSX thực tế ước đạt 13.106 tỷ đồng, trong đó GTSX Nông nghiệp ước đạt 4.463 tỷ đồng; GTSX Công nghiệp – Xây dựng ước đạt 3.522 tỷ đồng, GTSX Thương mại – Dịch vụ ước đạt 5.121 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp chiếm 34,05%; Công nghiệp - Xây dựng chiếm 26,9%; Thương mại - dịch vụ chiếm 39,05%.