“Vì sao trung bình mỗi năm Việt Nam phải hứng chịu 10 - 15 trận lũ quét, sạt lở đất” là câu hỏi mà không ít người băn khoăn. Chia sẻ được Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Đặng Thanh Mai chỉ ra trên cơ sở nghiên cứu khoa học là bởi hiện tượng trên có liên quan tới độ dốc lớn về địa hình của khu vực miền núi nước ta. Bên cạnh đó là mưa lớn tập trung và sự suy giảm độ che phủ rừng, thảm thực vật có liên quan tới những tác động của con người. Tổng hòa những yếu tố trên là nguyên nhân gây nên tình trạng lũ quét, sạt lở đất.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, từ năm 2000 đến nay, lũ quét, sạt lở đất khiến tổng số 943 người chết và mất tích; bình quân hơn 52 người chết và mất tích mỗi năm. |
Kết quả điều tra, đánh giá được thực hiện mới đây của Bộ TN&MT chỉ ra, cả nước hiện có tới 1.700 xã có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, tập trung chủ yếu tại bốn khu vực: Bắc bộ, Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Trong đó, có tới 500 xã có nguy cơ cao và rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Đáng quan ngại hơn, việc dự báo, cảnh báo sớm và chính xác nguy cơ trên vẫn là bài toán khó đối với Việt Nam.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, đã có trên 60 dự án, đề tài điều tra, khảo sát nghiên cứu về lũ quét, sạt lở đất được thực hiện. Kết quả nghiên cứu từ nhiều đề tài đã góp phần tích cực vào công tác ứng phó. Tuy nhiên, bà Đặng Thanh Mai cũng thẳng thắn nhìn nhận: Thời gian cảnh báo trước lũ quét, sạt lở đất không dài, cũng chưa dự báo được chi tiết thời gian, địa điểm, cường độ, phạm vi xuất hiện. Cảnh báo mưa lớn cho khu vực nhỏ và mưa cục bộ cũng chỉ có thể thực hiện được trước 6 - 12 giờ với các khu vực có đủ điều kiện về ra - đa, ảnh mây vệ tinh… Việc dự báo nhìn chung mới chỉ dừng ở mức độ “cảnh báo nguy cơ”.
Hai nhiệm vụ trọng tâm Để giảm nhẹ rủi ro từ lũ quét, sạt lở đất, hai nhiệm vụ trọng tâm được nhiều chuyên gia, nhà quản lý chỉ ra là việc triển khai đồng bộ các giải pháp công trình - phi công trình và nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo.
Giải pháp công trình thường là tiêu thoát nước mặt, nước ngầm; tăng khả năng thấm nước bề mặt, chống trượt. Trong khi các giải pháp phi công trình hướng tới việc quy hoạch sử dụng đất, trồng rừng, xây dựng bản đồ cảnh báo vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất... Mặc dù vậy, Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam PGS.TS Nguyễn Tùng Phong - cho rằng, lũ quét, sạt lở đất là loại hình thiên tai ẩn chứa nhiều yếu tố bất ngờ, do đó, phương châm ứng phó cần được quán triệt sâu rộng là phòng hơn chống. Theo đó, các bộ ngành, các địa phương cần thực hiện thường xuyên, có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền để người dân biết, chủ động phòng tránh.
Liên quan tới việc cảnh báo, dự báo sớm các loại hình thiên tai, dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng thực tế cho thấy công tác này vẫn chưa như kỳ vọng. Theo đó, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đề nghị các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quan trắc, giám sát, đánh giá, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Cùng với tập trung rà soát, đánh giá, tổ chức di dời người dân khỏi những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, cần tiếp tục làm tốt phương châm bốn tại chỗ trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.