Ứng cử viên tổng thống Pháp Marine Le Pen tin rằng việc ngăn chặn nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga đồng nghĩa một đòn “hara-kiri” – tự sát, đối với châu Âu, mặt khác không gây ảnh hưởng tới Nga.
"Chúng ta không thể thực hiện một hành động hara-kiri với hy vọng làm tổn thương Nga," bà Le Pen tuyên bố trong một cuộc tranh luận trên truyền hình với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tối 20/4. Cuộc tranh cử tổng thống chính dự kiến diễn ra vào ngày 24/4.
Cụ thể, bà Le Pen tuyên bố phản đối việc áp đặt lệnh cấm vận đối với nguồn cung khí đốt và dầu của Nga với lý do điều này sẽ gây tổn thất cho người dân Pháp. Bà giải thích: "Các biện pháp trừng phạt duy nhất mà tôi không đồng ý là chặn nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. Tại sao tôi không đồng ý? Bởi vì trên thực tế, điều đó sẽ không gây hại cho Nga và sẽ gây tổn hại to lớn cho người dân của chúng ta".
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 24/2 đã khởi xướng một chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, đồng thời nhấn mạnh, Moscow không có kế hoạch chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Ukraine. Mỹ, Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và một số quốc gia khác đã đáp trả hành động của chính quyền Nga bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Trong một diễn biến liên quan, các quốc gia G7 trong môt tuyên bố hôm 20/4 khẳng định sẽ duy trì và gia tăng áp lực đối với Nga do tình hình ở Ukraine. Tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính G7 và Thống đốc Ngân hàng Trung ương tại Washington.
G7 cũng lưu ý rằng khối này cùng với các đối tác trên toàn thế giới sẽ tiếp tục có hành động phối hợp ứng phó với cuộc xung đột đang diễn ra "nhằm tăng thêm chi phí cho cuộc chiến này đối với Nga."
Các nước G7 dự kiến tổng số tiền hỗ trợ cho Ukraine sẽ vượt quá 24 tỷ USD trong năm 2022 và sẽ còn tăng lên, theo một tuyên bố.