Nhìn vào con số xếp hạng về tiêu thụ rượu bia, người Việt chẳng thấy vui chút nào khi được xếp “giành ngôi Á quân” Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới. Vài năm trước, TP Huế chủ trương xây dựng con đường mang tên nhạc sĩ danh tiếng Trịnh Công Sơn là phố đi bộ, nhưng thực tế lại biến thành… “phố nhậu”, thậm chí có quán nhậu còn mang tên “Diễm Xưa”, “Hạ Trắng”…Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thì khỏi nói, đệ tử lưu linh đông như… quân Nguyên bất kể thời điểm nào trong ngày. Nhậu - từ văn hóa biến thành thói quen; từ nét đẹp trở thành dị hợm. Ứng xử với rượu bia là vấn đề khó, đã đến lần dự thảo thứ 4 “Luật Phòng chống tác hại bia rượu” nhưng vẫn còn tranh luận, có nghĩa rằng hành lang pháp lý với mặt hàng đặc biệt vẫn còn bỏ ngỏ. Nhà nước có trong tay đầy đủ công cụ để có thể cấm hay không cấm các hành vi dân sự. Nhớ lại thói quen đốt pháo của người Việt hơn hai chục năm trước, từng được ví như nét văn hóa truyền thống, nhưng vẫn bị cấm triệt để do tác hại quá lớn. Đến bây giờ, cấm đốt pháo được cho là triệt để nhất trong những thứ cấm như ma túy, mại dâm, thuốc lá… Vì pháo dễ cấm hơn hay là xuất phát từ thái độ của cơ quan chức năng?Việt Nam chưa thể và cũng chưa biết lúc nào có thể cấm uống rượu bia. Chỉ biết rằng, sau mỗi vụ ẩu đả, vụ tai nạn giao thông vì rượu bia, nhìn vào nước mắt của người ở lại, người ta chỉ ước giá như không có những buổi chén tề, chén tựu thì sẽ không có bao cảnh con mất bố, vợ mất chồng; bố mẹ mất con. Chính vì vậy, bên cạnh hình thức xử phạt nặng vì vi phạm, rất cần một cách ứng xử quyết liệt hơn từ các cơ quan chức năng để giảm tránh những sự việc đau lòng.