Theo quy định trong Công ước 2003 của UNESCO, không vinh danh di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong đó có hát Xoan. |
UNESCO không xếp hạng
Tiến sĩ Frank Proschan, cựu cán bộ chương trình cao cấp của UNESCO, cố vấn của UNESCO về Công ước 2003 Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể khẳng định tại buổi thuyết trình “Hiểu về các khái niệm và cách tiếp cận chính đối với di sản văn hóa phi vật thể trong Công ước 2003 Về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể” rằng: Công ước 2003 bác bỏ việc xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể nên không có khái niệm xếp hạng di sản theo cấp tỉnh, cấp quốc gia hay cấp thế giới. Vậy, tại sao trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước, của chuyên gia, nhà nghiên cứu thường chuyển tải sai là UNESCO vinh danh, công nhận di sản văn hóa phi vật thể nào đó là của thế giới, của nhân loại? Điều này khiến làng xã, cộng đồng Nhân dân sở hữu di sản (Quan họ hay ca trù, hát xoan, cồng chiêng Tây Nguyên…) đều thầm nghĩ, sau khi được UNESCO vinh danh, di sản không phải của làng, xã mình mà là của thế giới rồi.
Việc hiểu và chuyển tải sai về di sản văn hóa phi vật thể theo tinh thần của Công ước 2003 đã tồn tại từ lâu. Các sai lệch bắt nguồn từ việc chuyển ngữ từ tiếng Anh, tiếng Pháp sang tiếng Việt. Điều kiện hoạt động truyền thông của UNESCO còn hạn chế nên ngay cả thông tin về các phiên họp của UNESCO cũng chưa cập nhật kịp thời, liên tục được. Chính vì vậy, UNESCO đang tập trung đối thoại trực tiếp với nhà quản lý, cộng đồng sở hữu di sản. Bà Phạm Thị Thanh Hường - Ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội |
Cựu chuyên gia cao cấp UNESCO giải thích, Công ước 2003 khẳng định, các cộng đồng, nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân - những người thực hành một biểu đạt văn hóa nào đó - và chỉ họ mà thôi - mới có thể là những người công nhận nó là một bộ phận cấu thành di sản văn hóa phi vật thể của họ, và chỉ họ mới có thể xác định được giá trị của nó. UNESCO đã không sử dụng lại cụm từ “di sản thế giới của nhân loại” trong Công ước 1972 (Về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới), thay vào đó, nhấn mạnh rằng di sản văn hóa phi vật thể thuộc về cộng đồng và nhóm người cụ thể.
Theo Công ước 2003, Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể thiết lập, cập nhật và công bố Danh sách các Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhằm bảo đảm nâng cao tính phổ biến và nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời khuyến khích đối thoại trên cơ sở tôn trọng đa dạng văn hóa, mọi di sản văn hóa phi vật thể đều bình đẳng nên không so sánh di sản này với di sản khác. Công ước 2003 bác bỏ việc xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể nên càng không có khái niệm xếp hạng, phân cấp di sản theo cấp tỉnh, cấp quốc gia hay di sản cấp thế giới.
Việt Nam hiểu sai nhưng chưa kịp sửa
Đại diện Cục Di sản Văn hóa (thuộc Bộ VHTT&DL) - bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng cho hay, Cục đã nhận thức được những sai lệch trong cách hiểu về ghi nhận di sản của UNESCO nên nhiều năm gần đây đã chủ động điều chỉnh thông tin trên trang web và các văn bản. Nhưng để điều chỉnh một cách rộng rãi hơn nữa thì cần có thêm nhiều thời gian, sự nhập cuộc tích cực từ nhiều phía, trong đó, có vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông.
Sau khi TS Frank Proschan lên tiếng cùng lời khẳng định của các chuyên gia văn hóa về việc Việt Nam đang hiểu sai ý nghĩa của vinh danh và xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể. Nhiều người tỏ ra nghi ngại về loạt 13 di sản được UNESCO ghi danh suốt thời gian từ 2003 đến nay. Họ đặt câu hỏi vậy danh sách Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vô giá trị? Việc Việt Nam cố gắng hoàn chỉnh hồ sơ để đệ trình hằng năm là việc làm vô ích? Thực tế, việc hiểu sai bản chất của hoạt động ghi danh và vinh danh, hiểu chưa đúng tinh thần của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã, đang kéo thêm nhiều hê lụy đáng tiếc.
TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam giải thích, vẫn có danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. “Tên danh sách là như thế nhưng quan điểm của UNESCO thì cho rằng di sản là của cộng đồng, không có di sản nào của chung nhân loại. Việc công nhận là công nhận trong một danh sách của UNESCO được các quốc gia đệ trình lên, còn chủ nhân của di sản không ai khác chính là cộng đồng”. Nói như vậy, quan họ là di sản của cộng đồng người dân ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là thuộc về đồng bào ở Tây Nguyên, hay di sản thực hành Then của cộng đồng Tày, Nùng, Thái chứ không phải của cả nhân loại.