Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vải làm mát: ‘vũ khí’ chống nóng mới cho người dân đô thị

Khánh Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà nghiên cứu đã phát minh ra một loại vải tự nhiên có khả năng chống lại tình trạng nắng nóng ngày càng tăng ở các thành phố trên thế giới.

Các nhà nghiên cứu quốc tế đã tạo ra một loại vải tự nhiên có khả năng giảm nhiệt cho cơ thể, giúp người dân TP cảm thấy mát mẻ hơn trong điều kiện khí hậu nóng bức.

Loại vải ‘làm mát’ này không chỉ có thể ứng dụng để sản xuất quần áo, giày dép, mũ nón mà còn có tiềm năng lớn trong việc làm mát các bề mặt tòa nhà, mở ra triển vọng về một tương lai giảm thiểu sự phụ thuộc vào điều hòa không khí.

Chất liệu vải đặc biệt này giúp người dân đô thị cảm thấy thoải mái hơn dưới thời tiết nắng nóng. Ảnh: Unspalsh
Chất liệu vải đặc biệt này giúp người dân đô thị cảm thấy thoải mái hơn dưới thời tiết nắng nóng. Ảnh: Unspalsh

Các kỹ sư đến từ Đại học Trịnh Châu và Đại học Nam Úc cho biết loại vải này có khả năng phản chiếu ánh nắng mặt trời và tỏa nhiệt hiệu quả, giúp người mặc cảm thấy mát mẻ, dễ chịu hơn trong những ngày nắng nóng.

Nhờ khả năng tản nhiệt hiệu quả, loại vải mới này không chỉ giúp hàng triệu người dân TP thoát khỏi cái nóng bức ngày càng tăng mà còn góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, đặc biệt là ở những khu đô thị có ít cây xanh. 

Khác với các loại vải giữ nhiệt thông thường, loại vải mới này được thiết kế với 3 lớp đặc biệt để tối ưu hóa khả năng làm mát. Lớp ngoài cùng làm từ sợi polymethyl pentene, giúp tỏa nhiệt ra bên ngoài hiệu quả. Lớp giữa tích hợp các nanowires bạc, phản chiếu ánh nắng mặt trời, ngăn nhiệt xâm nhập vào cơ thể. Cuối cùng, lớp tiếp xúc trực tiếp với da được làm từ len, có khả năng hướng nhiệt ra khỏi da, giúp người mặc luôn cảm thấy mát mẻ, ngay cả trong điều kiện thời tiết nóng bức.

Trong điều kiện thử nghiệm, loại vải này cho thấy khả năng làm mát vượt trội so với các loại vải thông thường. Cụ thể, khi treo thẳng đứng, vải mát hơn 2,3 độ C so với các loại vải khác, và khi trải ra, nhiệt độ bề mặt vải có thể thấp hơn nhiệt độ môi trường xung quanh đến 6,2 độ C.

Với khả năng làm mát tự nhiên, loại vải này hứa hẹn sẽ trở thành giải pháp hiệu quả để đối phó với vấn đề nhiệt độ đô thị tăng cao do nóng lên toàn cầu. Bên cạnh đó, việc giảm thiểu sử dụng điều hòa không khí nhờ loại vải này sẽ giúp tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, từ đó tiến gần hơn đến cuộc sống đô thị bền vững” - các nhà nghiên cứu tại Đại học Trịnh Châu cho biết.

Công nghệ này hứa hẹn sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong nhiều lĩnh vực, từ vật liệu xây dựng và thiết kế nội thất đến quy hoạch đô thị.

Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù có tiềm năng ứng dụng lớn, song việc thương mại hóa loại vải này vẫn còn nhiều thách thức do chi phí sản xuất cao. Hơn nữa, độ bền của vải cần được nghiên cứu kỹ hơn để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Do đó, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ để thúc đẩy quá trình nghiên cứu và phát triển.

“Việc người tiêu dùng có sẵn sàng trả thêm tiền để mua loại vải này hay không phụ thuộc vào hiệu quả làm mát, độ bền, cảm giác thoải mái, và đặc biệt là ý thức bảo vệ môi trường của họ” - các nhà nghiên cứu nói.