Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vai trò của người dân là quan trọng

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày đầu tháng Bảy vừa qua, Hà Nội lại rơi vào một cuộc “khủng hoảng rác”.

Trong những ngày từ 2 - 6/7, hàng chục ngàn tấn rác thải sinh hoạt đã bị ùn ứ tại các đường phố, khu dân cư thành phố do người dân Sóc Sơn chặn đường không cho xe chở rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn.
Và không chỉ Hà Nội, trong các ngày từ 6 - 8/7, Đà Nẵng, cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi một số người dân ở quận Liên Chiểu chặn đường không cho xe chuyển rác vào bãi rác Khánh Sơn, khiến hơn 1.200 tấn rác bị ùn ứ trong TP suốt hai ngày.
Để “giải phóng” số rác này, sáng 8 - 7 cùng với việc đối thoại với người dân, Chính quyền TP Đà Nẵng đã phải huy động lực lượng công an bảo vệ để các xe chở rác vào được bãi Khánh Sơn.
Như vậy là bằng những biện pháp khác nhau, Hà Nội và Đà Nẵng đã xử lý bước đầu những vụ việc này. Rác thải đã được dọn dẹp, trả lại sự sạch sẽ, phong quang cho TP.
Trở lại sự việc người dân chặn xe vào bãi rác mới đây ở Hà Nội, tối 5/7, sau khi UBND TP chính thức có văn bản thay đổi một số chính sách cho người dân tái định cư, phù hợp với nguyện vọng người dân, đường vào Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn mới được giải tỏa.
Cần phải ghi nhận là chính quyền TP đã rất quan tâm, tìm giải pháp để khắc phục tình trạng trên. Trước viễn cảnh bãi rác Nam Sơn sẽ hết năng lực chôn lấp rác vào năm 2020, Hà Nội đã xây dựng 4 dự án xử lý rác thải.
Đó là Dự án xây dựng nhà máy xử lý rác 1.500 tấn/ngày, có phát điện tại Khu Xử lý chất thải Đồng Ké, Chương Mỹ; Nhà máy Điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn rác/ngày, thu hồi năng lượng để phát điện với công suất 75MW; Dự án xử lý rác thải thu hồi điện, công suất 1.000 tấn rác/ngày, phát điện 15,5MW và Dự án khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng, công suất 500 tấn rác/ngày, phát điện 12MW xây dựng tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, tiến độ thực hiện các dự án nói trên không được như mong muốn, nếu không nói là rất chậm.
Trong thời gian các dự án trên chưa được đưa vào sử dụng, lượng rác thải sinh hoạt các TP vẫn tiếp tục tăng mạnh. Theo số liệu được công bố mới đây, khối lượng rác sinh hoạt tại Hà Nội tăng trung bình 15% mỗi năm, tổng lượng rác thải lên tới hơn 6.000 tấn/ngày.
Với mức độ “tăng trưởng” rác như vậy, kể cả khi các Dự án nói trên đã hoàn tất và được đưa vào sử dụng cũng chưa thể đáp ứng được nhu cầu về xử lý rác thải của TP. Và mục tiêu đến năm 2025, 100% rác thải từ các hộ gia đình phải được thu gom, xử lý bằng công nghệ tiên tiến theo Chiến lược Quốc gia quản lý tổng hợp chất thải do Chính phủ ban hành xem ra khó thực hiện.
Một điều quan trọng nữa cần nói tới, đó là để các dự án nói trên phát huy hiệu quả, việc phân loại rác từ đầu nguồn là vô cùng quan trọng. Nó vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa trực tiếp làm giảm lượng rác cần xử lý. Và từ bài học kinh nghiệm ở các nước tiên tiến cũng như ở Việt Nam, để làm tốt việc này phụ thuộc rất nhiều vào ý thức và trách nhiệm của người dân.
Để có thể xử lý theo công nghệ hiện đại, rác cần phải được phân loại ngay từ nguồn. Trong khi đó, với ý thức của người dân hiện tại, việc phân loại như vậy hầu như chưa được thực hiện. Rõ ràng, vấn đề đặt ra là ngay từ bây giờ phải có những biện pháp giáo dục, tuyên truyền, tạo điều kiện để người dân thực hiện việc phân loại rác tại nguồn, như TP Hồ Chí Minh đã từng bước thực hiện từ cuối năm ngoái.
Theo đó, chất thải được phân loại tại nguồn thành 3 nhóm để phù hợp với mục đích xử lý: Nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh); nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).
Sự thành bại của việc phân loại rác từ nguồn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, trách nhiệm của người dân. Nói cách khác, chính người dân có thể và cần phải góp phần giải quyết vấn nạn rác thải hiện nay, cũng là tạo dựng, giữ gìn cho mình và cộng đồng một môi trường sống trong lành.