Ông Nguyễn Hữu Thủy - Tổng Giám đốc VAMC cho biết, công ty sẽ tiến hành mua nợ ngay vì VAMC đã có số liệu từng món nợ cụ thể. "Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra từng món nợ, xem món nào "mắc lưới" Nghị định 53/2013/NĐ-CP để làm việc với từng ngân hàng, các tổ chức cần bán nợ. Sau khi hai bên thống nhất được phương án xử lý, mới tiến hành ký hợp đồng" - ông Thủy nói.
VAMC thực hiện mua nợ theo 2 phương thức: Thứ nhất, mua nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD) theo giá trị ghi sổ số dư nợ gốc, sau khi khấu trừ số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập chưa sử dụng của khoản nợ, bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Phương thức mua thứ hai là mua nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD) theo giá thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt.
Riêng đối với phương thức mua nợ xấu theo giá thị trường sẽ có 3 căn cứ để thực hiện: Các quy định tại Nghị định 53; Thông tư hướng dẫn Nghị định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN); và Hội đồng thành viên VAMC quy định cụ thể về hoạt động mua - bán này. Mua - bán theo giá thị trường cũng được hiểu đơn giản là thuận mua vừa bán. Tức là các đối tượng bán nợ cho VAMC thỏa thuận một mức giá trên cơ sở VAMC thuê công ty định giá độc lập.
Giải quyết nợ xấu tại Vinaline là một trong những thử thách của VAMC. Ảnh: Hoàng Long
Sau khi mua nợ, Công ty sẽ kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ liên quan đến khoản nợ. VAMC được thực hiện các hoạt động thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm, hỗ trợ khách hàng, cơ cấu lại khoản nợ, chuyển nợ thành vốn góp… Ngoài ra, VAMC còn thực hiện hoạt động tư vấn, môi giới, đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần; bảo lãnh cho các tổ chức, DN, cá nhân vay vốn của TCTD…
Dự kiến, VAMC sẽ xử lý được khoảng 80.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu, với tỷ lệ thu hồi dự kiến 20 - 40%, thông qua hình thức phát hành trái phiếu đặc biệt. Sau khi xử lý nợ, VAMC được hưởng 2% số tiền thu hồi được của các khoản nợ đã mua bằng trái phiếu đặc biệt. Với thời gian xử lý dự kiến là 5 năm thì mức thu hàng năm của VAMC từ 60 - 160 tỷ đồng. Số tiền này ước tính sẽ đủ bù đắp các chi phí liên quan hàng năm của công ty.
Làm thế nào để VAMC phát huy hiệu quả?
VAMC là công cụ đặc biệt của NHNN để góp phần xử lý các khoản nợ xấu, nhằm khơi thông dòng chảy tín dụng. Theo kinh nghiệm của nhiều nước, công ty mua bán nợ được coi là một công cụ hữu ích cho quá trình xử lý nợ xấu, cải cách kinh tế, khôi phục lại sự lành mạnh của TCTD nhưng không ít mô hình tại các nước đã thất bại.
Do đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, Việt Nam cần phải có bước đi thận trọng, khôn khéo, phù hợp thực tiễn trong nước. Bên cạnh đó, bộ máy lãnh đạo và nhân viên cũng phải luôn tìm tòi, năng động trong khi hoạt động, nghiêm túc chấp hành mọi quy định để công ty vận hành minh bạch, rõ ràng. Làm sao để VAMC phát huy được tác dụng, giải quyết đáng kể nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế; phấn đấu đến 2015 có thể đưa nợ xấu xuống mức kiểm soát được theo đúng quy định pháp luật.
Người đứng đầu NHNN thừa nhận, dù rất trông chờ vào VAMC nhưng đây cũng không phải là "cây đũa thần" để có thể xử lý hết, xử lý triệt để nợ xấu. VAMC chỉ nên được coi là thêm một công cụ góp phần với các công cụ khác để xử lý nợ xấu, góp phần làm lành mạnh tài chính ngân hàng, giải quyết khó khăn cho DN.
Các khoản nợ xấu phải đáp ứng những điều kiện sau mới được VAMC mua: - Khoản nợ xấu của TCTD, bao gồm nợ xấu trong các hoạt động cấp tín dụng, mua trái phiếu DN, ủy thác mua trái phiếu DN, ủy thác cấp tín dụng và hoạt động khác theo quy định của NHNN. - Khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ. - Khách hàng vay còn tồn tại. - Số dư của khoản nợ xấu hoặc dư nợ xấu của khách hàng vay không thấp hơn mức quy định của NHNN… |