Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn còn hiện tượng nói thách, cân thiếu, đốt vía khách hàng

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 23/8, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tọa đàm “Thực hiện văn hóa ứng xử của phụ nữ khu vực kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn TP”.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh phát biểu tại tọa đàm.
Tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, hiện nay, Hà Nội có 454 chợ với tổng số người kinh doanh khoảng 90.000 hộ, đa phần là phụ nữ. Trong khu vực khối chợ, nhiều năm qua đã có phong trào xây dựng chợ “An toàn - văn minh - hiệu quả”, trong đó có 30 Hội và Chi hội phụ nữ tại 10 quận, huyện với 7.309 hội viên phụ nữ. Công tác tuyên truyền về văn hóa ứng xử phụ nữ Thủ đô tới khu vực phụ nữ khối kinh doanh, dịch vụ đã được quan tâm, một số cuộc tập huấn, tuyên truyền, thảo luận, tọa đàm, liên hoan tìm hiểu kiến thức...
Tuy nhiên, trên thực tế, nét đẹp thanh lịch, văn minh, nhất là trong giao tiếp, ứng xử của phụ nữ tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại chưa trở thành thói quen của một bộ phận chị em. Vẫn còn tồn tại hiện tượng nói thách, cân thiếu, to tiếng, đốt vía khách hàng, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP, vệ sinh môi trường… làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của Thủ đô.
Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu là nữ chủ DN, ban quản lý chợ, hộ kinh doanh đã chia sẻ về thực trạng, đóng góp các giải pháp; trao đổi góp ý thực hiện ứng xử văn minh trong kinh doanh buôn bán. Nhiều ý kiến cho rằng, tạo sự chuyển biến về văn hóa kinh doanh, vai trò của hội viên phụ nữ rất quan trọng. Cần tăng cường sự phối hợp giữa tổ chức Hội với chính quyền, các đơn vị như ban quản lý trung tâm thương mại, ban quản lý chợ, các cấp các ngành ở cơ sở để phổ biến, vận động thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng của người Hà Nội.
Theo số liệu từ Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có 454 chợ, trong đó có 167 chợ thành thị (chiếm 36,8%) và 287 chợ nông thôn (chiếm 63,2%). Mô hình quản lý gồm: 106 chợ do DN quản lý (chiếm 35,2%), 51 chợ do HTX quản lý (chiếm 11,2%), 67 chợ do BQL chợ quản lý (chiếm 16,7%), 230 chợ do Tổ quản lý chợ quản lý hoặc xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý (chiếm 50,6%). Trong đó, có một sổ chợ tạm, bà con ờ nơi khác tới bán hàng sáng hoặc chiều. Tổng số người kinh doanh tại các chợ khoàng 90.000 hộ kinh doanh, đa phần là phụ nữ.