[Văn hóa chính trị và góc nhìn “đạo đức người cán bộ”] Bài 3: “Bệnh” tham nhũng băng hoại nhân cách

Hà Bình - Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, nói đến văn hóa chính trị, trước tiên phải là văn hóa trong Đảng. Trong khi những vụ án tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng và cả hành vi “tham nhũng vặt” vẫn đang hiện hữu, đấu tranh để triệt tiêu vấn nạn ấy, chống suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của “bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên chính là thực hành văn hóa trong chính trị, loại bỏ đi những nét phản văn hóa, tránh làm vẩn đục đạo đức xã hội.

Cán bộ Sở Tài chính Hà Nội hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Công Hùng
Khi cán bộ bỏ quên chữ “liêm”
Nhiều nghiên cứu của các chuyên gia xây dựng đảng, văn hóa đã chỉ rõ, trong thời gian vừa qua, “lỗ hổng” văn hóa trong chính trị đáng lưu ý là chưa có các cơ chế, thể chế đủ mạnh để kiểm soát việc sử dụng quyền lực của cán bộ có chức quyền. Trong khi đó, đã là con người, dù lúc đầu có thể tốt, hoặc không phải xấu, nhưng họ vẫn luôn chịu sự tác động mạnh mẽ, thường xuyên, bền bỉ của một số bản năng mà trong đó có những mặt xấu có thể làm hư hỏng nhân cách. Khi có quyền lực, họ có thể rộng đường hơn để cống hiến nhiều hơn nếu đủ nhân cách, nhưng nguy cơ suy thoái về đạo đức cũng tăng lên nếu không đủ bản lĩnh và độ chín về văn hóa.
Thực tế thời gian qua, bên cạnh phần lớn cán bộ giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, thực hiện liêm, chính nghiêm túc, thì không ít cán bộ lãnh đạo khác lại quên đi điều đó, do nhiều nguyên nhân khiến họ đi đến chỗ tha hóa, biến chất, sa vào chủ nghĩa cá nhân, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất... Nhiều người còn câu kết, hình thành các “lợi ích nhóm”, cùng nhau tham nhũng, tham ô tài sản, bòn rút hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước thông qua các dự án, các chương trình đầu tư, các công ty “sân sau”, công ty con…
Xử lý nghiêm minh hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, hối lộ thì sẽ không dám tham nhũng. Những bản án, những quyết định kỷ luật nghiêm khắc là bài học đắt giá cho những ai dù ở cương vị quan trọng nào mà không tu dưỡng, suy thoái về đạo đức, lối sống; để tham vọng địa vị, tiền tài lấn át… Đồng thời với những bài học cảnh tỉnh đang có, hành lang pháp lý chặt chẽ, không để có khoảng trống pháp lý, kẽ hở để cán bộ, công chức không thể tham nhũng, hối lộ sẽ tạo thành những “thiết quân luật” để ngăn ngừa và xử lý vi phạm.
Tình trạng suy thoái lây lan từ công tác cán bộ, quản lý tài sản, tiền bạc, đất đai, quản lý dự án, hải quan, cảnh sát giao thông, thanh tra thuế cho đến các cơ quan bảo vệ pháp luật, thanh tra, kiểm tra, điều tra. Chức vụ càng cao, quyền lực càng lớn thì sự suy thoái gây ra hậu quả càng nặng nề, tạo cơ hội cho tham nhũng, hối lộ, lãng phí, tiêu cực phát triển.
Hệ quả là liên tục các cán bộ bị xử lý kỷ luật chính bởi sự “sa vào chủ nghĩa cá nhân” ấy; hàng loạt đại án tham nhũng được đưa ra xét xử, không ít cựu quan chức, quan chức đã phải hầu tòa bởi vi phạm những giá trị đạo đức để trục lợi... Có những thời điểm dư luận không khỏi giật mình khi kết luận cơ quan điều tra cơ quan bảo vệ pháp luật công bố với những con số kim tiền qua lại giữa quan chức và DN trong một nhóm lợi ích như vụ mua cổ phần giữa Mobifone và AVG. Hai cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT bị cáo buộc vì nhận hối lộ, thậm chí số tiền lên đến hàng triệu USD. Từ vụ việc ấy, nhiều ý kiến đã nhìn nhận, ở vị trí “thuyền trưởng” một bộ, những người cán bộ này hơn ai hết hiểu và hiểu rõ những gì được làm, những gì không được làm, những gì có lợi cho dân, cho nước. Biết sai vẫn làm, đó là biểu hiện của sự suy thoái, mưu cầu.
Khi nói về “đạo làm quan”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) phân tích, tình trạng suy thoái của bộ phận cán bộ, đảng viên đang thể hiện rõ nhất ở tệ tham nhũng, lợi ích nhóm, cơ hội về chính trị, tha hóa về lối sống và đạo đức. Một khi cán bộ, đảng viên không trong sạch về đạo đức, không trong sáng về lối sống sẽ rất khó để vượt qua được những cám dỗ khó cưỡng của lợi ích vật chất, mà cạm bẫy dẫn con người ta tới tha hóa chính là chủ nghĩa cá nhân. Nếu việc gì cũng nghĩ tới lợi ích của riêng mình, cán bộ, đảng viên sẽ không có tinh thần vì Nhân dân phục vụ, thay vào đó là thái độ “xem khinh quần chúng”, “đục khoét" của Nhân dân.
Chưa kể con số hàng nghìn cán bộ các cấp bị xử lý, chỉ nhìn vào những con số trên 90 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật, thậm chí nhiều người bị xử lý hình sự từ đầu nhiệm kỳ XII đến nay, có thể vui vì Đảng đã loại trừ được những người “tha hóa”, nhưng cũng rất buồn. Trong đó có không ít cán bộ được đánh giá là những “hạt giống đỏ”, người có năng lực, nhưng đã bỏ quên chữ “liêm” dẫn đến những sai phạm.
Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an) đã nhận xét, không chỉ “biến hình” ngày càng tinh vi, tham nhũng còn nhận được sự “tiếp ứng” của những cán bộ biến chất, suy thoái. Nhìn vào thực tế các đại án mà dư luận hết sức quan tâm vừa qua, có thể nhận thấy, trước khi bị đưa ra ánh sáng, những con người liên quan các vụ việc đó ít nhiều đã được đánh giá là có năng lực, thậm chí được kỳ vọng, từng có lúc được ghi nhận công trạng, được dư luận ủng hộ trong một số quyết định lãnh đạo, điều hành. Điều đáng buồn là, khi họ để quyền lực bị tha hóa, để đồng tiền, lợi ích che mờ lý trí, lấn át đạo đức, thì việc sa chân, lạc lối chỉ là vấn đề thời gian.
Băng hoại đạo đức xã hội
Thực tế cũng cho thấy, các hành vi tham nhũng đã và đang không chỉ xảy ra ở những chương trình dự án lớn có giá trị hàng nghìn tỷ đồng - tham nhũng lớn, mà còn xuất hiện nhiều ở cả các cơ quan công quyền tại cơ sở, nơi hàng ngày trực tiếp giải quyết các công việc liên quan đến lợi ích của người dân. Đó là tham nhũng vặt. Đây cũng là vấn nạn của việc gặp gỡ giữa lòng tham và quyền lực.
Tham nhũng vặt diễn ra hằng ngày qua các giao dịch bình thường trong xã hội. Đôi khi nó chỉ là những “món quà” để đổi lấy sự châm chước, sự ưu tiên hay những khoản hối lộ "nho nhỏ" như nhân viên các cơ quan công quyền các cấp gây khó dễ đối với người dân đến giao dịch để nhận tiền "bồi dưỡng", "tiền trà nước"… Như TS Lưu Minh Trị (Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội) nhận định, nếu nói văn hóa là nền tảng đời sống tinh thần của xã hội thì tham nhũng vặt, văn hóa phong bì phổ biến làm vẩn đục đời sống, văn hóa tinh thần. Đi đến đâu cũng nghĩ đến “đút lót” kể cả trong môi trường giáo dục, y tế. Ai cũng biết là sai nhưng không làm gì hoặc không làm gì được, bởi người Việt rất dễ thỏa hiệp với việc đó, bởi quan niệm “được việc”, “cho yên tâm”, vô tình đã tạo nên khía cạnh văn hóa không đẹp.
Hơn nữa, có những hành vi tham nhũng vặt nhưng không vặt, đó là tình trạng cán bộ, công chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác, kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật để sách nhiễu, nhận “lót tay”... Trong đó, gần đây nhất là vụ việc cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng có hành vi “vòi tiền” trong quá trình thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, số tiền không hề nhỏ. Cùng với đó, ở góc độ công vụ, tham nhũng vặt đang diễn ra khắp nơi, len vào những ngõ ngách của cuộc sống, thậm chí nhiều đến mức chúng ta đã thấy “quen mắt”.
Kiến tạo nền tảng văn hóa
Theo PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), năm 1947, khi viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên có chút quyền hành trong tay rất dễ lạm dụng, rất dễ tha hóa quyền lực. Trong tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính” viết năm 1949, Bác đã viết một câu có giá trị soi sáng cho tới ngày hôm nay, kể cả sau này. Đó là “cán bộ các cơ quan, các đoàn thể cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ, nhưng dù to hay nhỏ có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét (tham ô), có dịp ăn của đút (nhận hối lộ), có dịp dĩ công vi tư (lấy của công làm của tư).
Để căn chỉnh, giải quyết những sai phạm, những nỗ lực kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tha hóa, biến chất đang được quyết liệt thực hiện để chấn chỉnh đạo đức cán bộ, đề cao “đạo làm quan”. Đặc biệt, thời điểm Đai hội Đảng các cấp đang diễn ra này, công tác cán bộ đã được đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”…
Như Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Lê Như Tiến nhận định, xử lý tình trạng tham nhũng, lạm quyền đã và đang được T.Ư và các cấp, các ngành thực thi, trong đó, điều quan trọng nhất là kiểm soát quyền lực. Phải nói rằng chúng ta đã đạt được những kết quả rất tốt. Hàng loạt vụ việc được đưa ra ánh sáng, được xét xử nghiêm minh. Qua đó, đã cho thấy quyết tâm chính trị rất cao, thể hiện được tuyên ngôn của Đảng, Nhà nước là xử lý tham nhũng không trừ một ai, không có ngoại lệ, đem lại niềm tin cho công chúng, cho người dân. Để bịt những lỗ hổng, các cơ chế để đưa quyền lực vào “lồng kiểm soát” đang ngày càng hoàn thiện mạnh mẽ hơn không chỉ bằng các quy định của Đảng mà cả các cơ chế giám sát để người có quyền lực không thể lạm quyền, lộng quyền. Thực thi kiểm soát quyền lực sẽ góp phần kiến tạo nền tảng văn hóa, đạo đức chính trị.
Tuy nhiên, như nhiều ý kiến nhận định, cuộc chiến chống tham nhũng vẫn còn không ít khó khăn, phức tạp. Đây là một thách thức không nhỏ đối với việc kiến tạo văn hóa, đạo đức lành mạnh trong hệ thống chính trị. Như tệ tham nhũng vặt, nhiều chuyên gia đã chỉ ra, chính sự thiếu minh bạch là mảnh đất màu mỡ nảy nở những điều xấu, đục nước béo cò. Cái xấu lại không được phát hiện, nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời thì lan nhanh như một thứ bệnh truyền nhiễm. Do đó, việc xây dựng nền công vụ văn minh là vấn đề được nhiều người đề cập tới.
Theo TS Lưu Minh Trị, hiện tham nhũng vặt đã bước đầu được xử lý mạnh mẽ hơn cùng với các quy định của luật, việc xây dựng văn hóa nếp sống, văn hóa công vụ, nhưng vẫn thiếu những chế tài, quy chế cụ thể để kiên quyết, dứt khoát chống. Do đó, hệ thống chính trị phải vào cuộc đồng bộ, sự lên án từ xã hội phải tăng cường hơn để thay đổi về nhận thức và đạo đức xã hội. Hơn nữa phải làm thường xuyên, không phải theo phong trào. “Tham nhũng vặt là vi phạm văn hóa đạo đức, văn hóa lối sống. Nếu xã hội mà nhiều tham nhũng vặt là ô nhiễm văn hóa, lối sống càng tăng. Người đi đút lót và người nhận đều vi phạm các phạm trù này. Do đó, cùng với các quy định, quy chế, phải tăng giáo dục đạo đức xã hội nhiều hơn” - TS Lưu Minh Trị nói.
Cùng với đó, xử lý nghiêm minh hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, hối lộ thì sẽ không dám tham nhũng. Những bản án, những quyết định kỷ luật nghiêm khắc là bài học đắt giá cho những ai dù ở cương vị quan trọng nào mà không tu dưỡng, suy thoái về đạo đức, lối sống; để tham vọng địa vị, tiền tài lấn át… Đồng thời với những bài học cảnh tỉnh đang có, hành lang pháp lý chặt chẽ, không để có khoảng trống pháp lý, kẽ hở để cán bộ, công chức không thể tham nhũng, hối lộ sẽ tạo thành những “thiết quân luật” để ngăn ngừa và xử lý vi phạm.
(Còn nữa)

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Lê Như Tiến: Trọng bệnh thì phải dùng biệt dược

Trước hết phải nói rằng, khi theo dõi thông tin của các vụ án kinh tế, tham nhũng vừa đưa ra xét xử trong thời gian vừa qua, cảm xúc đầu tiên của tôi là hết sức xót xa. Xót xa vì một số vị nguyên là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã vướng vòng lao lý, đứng trước vành móng ngựa; như hai nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, rồi một loạt lãnh đạo của TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hay những vụ việc liên quan đến các tướng công an, quân đội... Trong số đó, thậm chí một số người có quá khứ rất vẻ vang, đã từng chiến đấu trong nhiều mặt trận, từng giữ những chức vụ cao trong các ngành công an, quân đội... nhưng giờ lại bao che, tiếp tay cho tội phạm…

Tuy nhiên, xây dựng một xã hội đạo đức, văn minh thì không chấp nhận còn những kẻ tham nhũng. Do đó, việc chống tham nhũng quyết liệt đã có tác dụng làm cho bộ máy nhà nước, của Đảng trong sạch hơn, vững mạnh hơn, từng bước chặn đứng và đẩy lùi tệ nạn vốn vẫn được coi là quốc nạn này. Đã là quốc nạn, trọng bệnh thì phải dùng biệt dược, không thể xoa bóp ngoài da được. Biệt dược ở đây chính là giải pháp quyết liệt, sự phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh và hình phạt cũng rất nghiêm khắc.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) - Thiếu tướng Lê Văn Cương: Bản chất sâu xa là lòng tham

Bản chất sâu xa của tham nhũng là lòng tham, là nhu cầu lợi ích vốn luôn tồn tại trong mỗi con người ở những mức độ khác nhau. Khi hoàn cảnh thuận lợi, khi cán bộ không đủ bản lĩnh, không vượt qua được cám dỗ, thì lòng tham sẽ dẫn dắt họ tiến một bước đến với tham nhũng. Trong khi đó, cơ chế kiểm soát quyền lực có lúc chưa hiệu quả, gián tiếp tạo ra môi trường, điều kiện để tham nhũng phát tác. Khi quyền lực trong tay, mỗi quyết sách có thể mang theo nó hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, mà không có cơ chế kiểm soát, đảm bảo dân chủ, minh bạch, khách quan, hậu quả là rất lớn.

Những vụ việc các nguyên lãnh đạo cấp cao dính líu đến tham nhũng, hối lộ vừa qua cho thấy, việc giám sát quyền lực có những thời điểm dân chủ phải chăng chỉ còn mang tính hình thức, bởi lẽ các quy định về tài sản, về đầu tư, định giá đất đều có, nhưng các vị lãnh đạo ấy vẫn ra nhiều quyết định dẫn đến sai phạm, vi phạm như kết quả thanh, kiểm tra đã chỉ ra. Nơi nào mà quyền lực không được giám sát thì nơi đó sớm muộn sẽ bị tha hóa. Do đó, phải ràng buộc trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Khi cán bộ đã tha hóa, tham nhũng thì phải xử lý nghiêm, không có ngoại lệ. Đây cũng là bài học sâu sắc cần được rút ra từ các vụ việc cán bộ cấp cao vướng vòng lao lý vừa qua.

Nguyên Trưởng khoa Văn hóa - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - GS.TS Trần Văn Bính: Cán bộ lãnh đạo phải có nền tảng văn hóa vững vàng

Người cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược có đạo đức tốt, có nền tảng văn hóa đạo đức vững vàng là điều kiện cần thiết bậc nhất trước khi tính đến các tiêu chuẩn quan trọng khác. Trách nhiệm đạo đức đang đòi hỏi văn hóa đạo đức của cán bộ các cấp phải được quan tâm đặc biệt, nếu không hậu quả về sự biến chất vô cùng khó lường.

Trong tình hình hiện nay, một bộ phận nhỏ Nhân dân gặp khó khăn nhưng một số cán bộ, đảng viên không thấu hiểu và không gần dân; không am hiểu cụ thể những nhu cầu thực tiễn của Nhân dân nên hầu như họ bị bỏ rơi. Nguyên nhân dẫn đến điều này là do cán bộ công chức sống xa dân, lo cho lợi ích bản thân, lợi ích nhóm và thiếu nền tảng văn hóa, cụ thể ở đây là thiếu việc học làm người hiếu thuận, làm người thiện lương, làm người chuyên cần, làm người khoan dung, làm người thành thực… Muốn xây dựng một đội ngũ cán bộ quản lý có tầm và có tâm, thì ngoài việc nâng cao đào tạo về trình độ thì cần phải giáo dục bồi dưỡng về văn hóa ứng xử, văn hóa làm người. Việc học này không chỉ ở trong nhà trường, mà còn ở trong gia đình và xã hội. Hơn nữa, trong quá trình lựa chọn người cán bộ, tiêu chí nền tảng văn hóa của con người cũng cần phải được đặt lên hàng đầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần