Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Văn hóa chính trị và góc nhìn “đạo đức người cán bộ”] Bài cuối: Xây dựng nền văn hóa chính trị xứng tầm

Hà Bình - Lan Ngọc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ là xây dựng một nền văn hóa, trong đó có chính trị, xứng tầm làm nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Nhưng cho đến nay nhận thức về văn hóa ở từng cấp, từng ngành vẫn còn nhiều hạn chế. Nhằm phân tích rõ nguyên nhân của tình trạng đó và gợi ra những giải pháp cho việc xây dựng văn hóa chính trị trong tương lai, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, chuyên gia cao cấp - GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang.

 Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, chuyên gia cao cấp - GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang
Xây dựng hình ảnh người cán bộ
Nghị quyết 33/NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (gọi tắt là Nghị quyết 33) đã đề cao mục tiêu văn hóa là nền tảng cho mọi sự phát triển. Sau 5 năm thực hiện, theo GS chúng ta đã đạt được mục tiêu này?
- Bộ Chính trị vừa tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33, bên cạnh những kết quả đạt được đã nhận ra nhiều hạn chế trong nhận thức của các cấp, các ngành. Không phải chúng ta không coi trọng văn hóa, nhưng ở đâu đó văn hóa vẫn được hiểu trên bình diện hẹp, đó chỉ là lĩnh vực văn hóa - văn nghệ. Thực ra, văn hóa là tất cả mọi sáng tạo của một dân tộc, được tích lũy từ rất nhiều đời, trở thành nền tảng tinh thần cho sự phát triển quốc gia, trong đó có việc xây dựng thiết chế tổ chức, quản lý điều hành đất nước phù hợp.
Gần đây nhiều lời than đạo đức xuống cấp, văn hóa cán bộ xuống cấp bằng các hiện tượng như: Tham nhũng, vô cảm với đau khổ của người khác, có những đối xử tệ bạc, hãm hại nhau… Vậy theo GS, bản chất của các hiện tượng này là gì
- Những hiện tượng đó có nhiều nguyên nhân, nhưng có cái lõi của vấn đề này là có một thời gian dài chúng ta chưa chú ý đúng mức đến giáo dục gia đình. Các bậc phụ huynh dường như khoán toàn bộ việc giáo dục đạo đức cho nhà trường. Bố mẹ thì mải đi kiếm tiền và nghĩ rằng nhà trường đã cho học giáo dục công dân, đạo đức, thế là đủ. Trong khi, giáo dục phương Đông nói chung và giáo dục Việt Nam nói riêng sự rèn giũa của giáo dục gia đình là nền tảng rất quan trọng. Chính vì vậy, Nghị quyết 33 có chú ý đến giáo dục nhân cách con người mà trọng tâm là giáo dục gia đình.
Trong văn hóa truyền thống có nhiều cái hay, nhưng chúng ta chưa thấy hết những tác động tự phát của mặt trái các truyền thống đó. Chẳng hạn, đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống vô cùng tốt đẹp, nhưng dường như những hạn chế của tính chất cố kết làng xã trong một xã hội tiểu nông chưa được lường tính đầy đủ. Đó là sự cố kết để ứng phó với những thử thách, để cùng nhau vượt qua những đe dọa từ bên ngoài, nên khi những nguy cơ này thuyên giảm, hoặc ở khoảng thời gian nào đó không hiển hiện trực tiếp thì toan tính cá nhân của mỗi người lại bung ra tự phát, xuất hiện hiện tượng một số người người tranh thủ vơ vét.
Chúng ta có hệ thống chính trị nhất nguyên, điều này giúp ta có một nhà nước mạnh đưa đất nước vượt qua muôn vàn khó khăn, hiểm nghèo. Nhưng nếu không có những cơ chế giám sát quyền lực hữu hiệu thì quyền lực rất dễ bị tha hóa. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: Chúng ta chưa giám sát hữu hiệu quyền lực nên khi được giao quyền, nhiều người tự tung tự tác. Có quyền lực ở chỗ này chỗ kia, ở người này người kia bị tha hóa. Nếu chúng ta không xử lý triệt để thì sẽ suy đồi về văn hóa. Vừa qua, một Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy đã cho ô tô ra tận chân cầu thang máy bay để đón mình và gia đình. Ở đây không phải chuyện đúng sai theo quy định, mà là ý thức của cán bộ trong việc xây dựng hình ảnh người “đầy tớ trung thành” của Nhân dân.
Cán bộ quận Bắc Từ Liêm tận tình hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Thanh Hải
Khai thác hiệu quả tinh thần đoàn kết
Phân tích những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong việc xây dựng một nền tảng văn hóa cho cả dân tộc, cũng là cách tìm ra biện pháp thay đổi nhận thức làm sao cho thật đúng đắn với mục tiêu văn hóa là nền tảng phát triển của một đất nước?
- Trong một lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp chiến lược, tôi được mời báo cáo chuyên đề “Tinh hoa nghệ thuật trị quốc cầm quyền”. Chuyên đề này không chỉ là câu chuyện lịch sử, mà đang còn nguyên giá trị thời sự đến hiện nay bởi vì đó chính là văn hóa. Muốn văn hóa được thực sự coi trọng và đi vào mọi mặt của cuộc sống, trước hết cần nhận thức thật đầy đủ về văn hóa. Văn hóa là nền tảng cho tất cả mọi hoạt động, thì trong giáo dục phải có đổi mới về mặt chương trình, để cho học sinh từ bé đến lớn nhận thức văn hóa không phải học cho biết, cho vui, mà nó phải biết cái mạnh cái yếu của người Việt Nam là gì, sau khi trưởng thành biết biến thế mạnh của mình thành quyết sách của một dân tộc và cho từng cá nhân.
Cái thứ nữa là chúng ta phải có sự điều tiết ở tầng vĩ mô để con người Việt Nam thoát ra từ thời kỳ khổ cực thiếu thốn về vật chất, hiểu được những giá trị của văn hóa tinh thần. Làm sao đó để người ta thấy rằng đi nghe một buổi hòa nhạc, đi xem một bộ phim hay thấm đậm lòng người có được cảm giác thỏa mãn, sung sướng không kém gì ăn một bữa tiệc thịnh soạn.
Rất nhiều nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ mới, nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ có nền tảng văn hóa chính trị vững chắc, theo GS, muốn xây dựng văn hóa chính trị trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần phải làm những gì?
- Lịch sử của Việt Nam không thua kém bạn bè năm châu, chúng ta còn tự hào về bề dày truyền thống văn hóa. Chính vì vậy, Việt Nam có thể tự tin xây dựng một nền văn hóa chính trị phù hợp. Bằng chứng là trong đợt dịch Covid-19, ngay khi Thủ tướng ra lời hiệu triệu: Chống dịch như chống giặc, toàn thể Nhân dân Việt Nam đã đồng lòng, đoàn kết chống dịch. Nếu chúng ta biết khai thác hữu hiệu, hiệu quả tinh thần đoàn kết đó thì chúng ta sẽ có một nền văn hóa chính trị xứng tầm. Điều thứ 2 trong việc xây dựng nền văn hóa chính trị là phải có chiến lược quan trọng cho sự phát triển của đất nước, phải làm sao có nhiều người tài tham gia vào bộ máy cầm quyền.
Ở đây không phải chiến lược chiêu mộ người tài mà là chiến lược sử dụng người tài, để đưa ra những mục tiêu đạt được cụ thể cho Việt Nam trong vòng 5 hay 15 năm sau, thậm chí là lâu dài hơn nữa. Điều thứ 3 phải nhấn mạnh yếu tố văn hóa và dân tộc. Đây là 2 thực thể hoàn toàn khác nhau, trong thời đại toàn cầu hóa có thể giao lưu kết nối nhưng luôn luôn có đặc trưng, thế mạnh riêng. Chúng ta phải biết biến tất cả những gì mình có thành lợi thế cạnh tranh quốc tế. Có như vậy chúng ta mới có thể biến ước nguyện có ngày nước ta “sánh vai các cường quốc năm châu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành hiện thực.
Xin cảm ơn ông!
Trong việc xây dựng nền văn hóa chính trị là phải có chiến lược quan trọng cho sự phát triển của đất nước, phải làm sao có nhiều người tài tham gia vào bộ máy cầm quyền. Ở đây không phải chiến lược chiêu mộ người tài mà là chiến lược sử dụng người tài, để đưa ra những mục tiêu đạt được cụ thể cho Việt Nam trong vòng 5 hay 15 năm sau, thậm chí là lâu dài hơn nữa.