Văn hóa công chức - chuyện chưa bao giờ cũ

PGS.TS Phạm Quang Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Văn hóa công chức là một lĩnh vực tưởng chừng chả có gì phải bàn cãi vì một khi đã trở thành công chức, viên chức của một cơ quan nào đó thuộc hệ thống Nhà nước thì nghiễm nhiên họ phải thực hiện theo quyền và nghĩa vụ mà luật đã quy định.

Lý thì thế nhưng trong thực tiễn, có rất nhiều điều cứ tréo ngoe, gây chậm trễ, thậm chí hỏng việc, gây bức xúc cho cả người trong và ngoài cơ quan chỉ vì sự thiếu trách nhiệm của nhân viên, thiếu sâu sát của người quản lý.

1. Nhiều quy định dưới luật, những chỉ thị của tổ chức Đảng, công đoàn, mặt trận… cho phép thủ trưởng được sa thải người không đáp ứng được yêu cầu; cấp trên có quyền kỷ luật người đứng đầu do để cấp dưới vi phạm pháp luật. Nhưng nói như một người có chức quyền lớn là “mười mấy năm làm lãnh đạo mà tôi chưa kỷ luật được ai” bởi nếu chẻ sợi tóc ra làm tư để xem xét thì có nhiều thứ không làm được. Đó là một thực tế.

Cán bộ UBND quận Bắc Từ Liêm hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính điện tử. Ảnh: Phạm Hùng
Cán bộ UBND quận Bắc Từ Liêm hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính điện tử. Ảnh: Phạm Hùng

Nhiều điều của các luật chuyên ngành không đồng bộ, chỗ này cho phép nhưng chỗ khác lại có những điều không phải bênh vực cái sai song nếu xét đến cùng là sai cả làng nên đành chịu. Nhìn gần đây thôi đã thấy, năm 2007 Chính phủ đã ban hành Quy chế văn hóa công sở rồi đến năm 2018 lại thực hiện Đề án văn hóa công vụ và 23 tháng 6 năm 2021 Bộ Nội vụ ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Nhắc lại như vậy để thấy đây là vấn đề lớn, luôn vận động, biến đổi cho thích ứng với yêu cầu thực tế.

Chỉ dùng luật để quản lý cũng không thể đủ nên cần cả vận động, giáo dục, thuyết phục vì văn hóa công sở thực chất là văn hóa làm người, văn hóa ứng xử với nghĩa vụ, trách nhiệm, văn hóa của lương tâm; nó là công việc của người với người.

2. Nói đến văn hóa công chức phải nói đến những nước có truyền thống quản lý hành chính và văn hóa đào tạo công chức, bởi đòi hỏi cao nhất đối với một công chức đúng nghĩa phải là sự hiểu biết và trách nhiệm đối với công việc, tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Tư tưởng bao trùm trong hệ thống nguyên tắc với công chức phải là pháp trị, là tinh thần thượng tôn pháp luật rồi mới đến những vấn đề khác.

Một học giả đã tổng kết về lao động công chức bằng một nhận xét nghiêm khắc nhưng rất đúng bản chất ít công chức đúng nghĩa mà nhiều lại quá. Học giả này cũng giải thích thêm: Thời phong kiến, do tính chất tổ chức bộ máy mà chỉ người đứng đầu có quyền còn tất cả những người giúp việc chỉ như là lại (chân sai việc, sai vặt), họ chỉ được phép tuân theo sắp đặt và sai bảo của người có quyền. Họ tuân thủ mọi điều sai bảo và được đánh giá mẫn cán hay không ở việc phục tùng này.

Thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân đã có ý thức đào tạo công chức vì suy cho cùng, công chức đích thực sẽ làm lợi cho bộ máy hành chính, cho chính sách cai trị. Nhưng do tinh thần đô hộ, cai trị theo tư tưởng thực dân mà công chức đào tạo ra cũng bị méo mó do người sử dụng.

Thời ta, nói rất nhiều về sự hợp tác, bình đẳng, làm chủ nhưng chả biết từ bao giờ công chức tự nguyện trở thành những lại đời mới theo các cách khác nhau. Lẽ ra có chỉ thị, công văn giao việc của cấp trên, công chức phải thực hiện theo nghĩa vụ, tham mưu cho thủ trưởng cần làm gì, không làm gì nhưng điều anh ta quan tâm đầu tiên lại là hỏi xem thủ trưởng định giải quyết thế nào rồi tìm cách làm theo chứ không theo đúng sai, cần và không cần. Thế là lại chứ còn gì nữa?

3. Hà Nội gần như đi đầu trong cả nước trong xây dựng quy tắc về văn hóa ứng xử gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, coi văn hóa là sức mạnh nội sinh là hồn cốt của đất ngàn năm văn hiến. Đây không phải chỉ là văn hóa hay vì văn hóa. Mà đây là dùng văn hóa làm sức mạnh, bệ đỡ cho phát triển bền vững.

Thành tích đạt được cũng nhiều nhưng những khuyết điểm cũng không ít và chưa thể nói rằng chúng ta có thể yên tâm về những điều đã làm được. Bao nhiêu nhà nghiên cứu, quản lý đã mổ xẻ, phân tích và tìm giải pháp cho vấn đề này. Có người dè dặt: Dù Hà Nội là Thủ đô, Hà Nội có Luật Thủ đô, Hà Nội là nơi tập trung tinh hoa, trí tuệ của cả nước nhưng Hà Nội không phải là vương quốc riêng nên khó nhiều thứ. Nói thế vừa đúng, vừa không đúng.

Hà Nội có những lợi thế nơi khác không có như nguồn lực con người, nguồn lực văn hóa hơn nhiều địa phương khác nhưng cũng vì thế mà thách thức với Hà Nội cũng lớn và cuộc vượt thoát lần này cũng phải bắt đầu từ những giải pháp căn cơ từ văn hóa. Có nhà quản trị đã nhận thức rất sai rằng, văn hóa không thể tạo ra đột biến trong phát triển mà phải từ công nghệ.

GS Phan Ngọc trong bài viết về nhà văn hóa lớn Phạm Văn Đồng cho rằng, về bản chất công cuộc đổi mới bắt đầu từ văn hóa, kinh tế chỉ là lĩnh vực được “áp dụng” đầu tiên do tình hình thời cuộc vì đổi mới nhận thức, đổi mới tư duy, đổi mới cách nhìn nhận về con người như nguồn lực quan trọng nhất của xã hội đã quyết định tất cả. Đổi mới văn hóa công chức trong thời đại công nghệ số cũng vậy.

Ngày nay các sản phẩm của công nghệ, công nghiệp văn hóa (dùng rất nhiều thành tựu của công nghệ) đang làm thay đổi nhận thức của con người về tư liệu sản xuất, đầu tư, phát triển; xã hội số, công nghệ số cũng tạo ra những thay đổi lớn không phải chỉ là thói quen, tập tính mà là những nhận thức rất căn bản về nhiều vấn đề quan trọng của tự nhiên, xã hội, tương lai.

Văn hóa công chức cao nhất không giản đơn chỉ là văn hóa ứng xử, nó chỉ là sự thể hiện ra trong giao tiếp những khía cạnh khác nhau của một nền tảng về giá trị xã hội mới, trong đó giá trị xã hội, cộng đồng, quốc gia kết hợp với giá trị gia đình, giá trị cá nhân ở tầm nhân văn nhất. Bởi đó là những vấn đề của con người. Đổi mới văn hóa công chức chính là đổi mới cách hợp tác với nhau để cùng chung tay xây dựng một xã hội phồn vinh hạnh phúc thì cái gốc của nó phải là từ nhận thức, cách tiếp cận vấn đề còn công nghệ hay những việc làm cụ thể chỉ là phương tiện.

Con người trong những tương tác với xã hội ở công sở trong một công việc cụ thể, với một con người cụ thể nhưng nó lại thể hiện sức sống, bản lĩnh của một cộng đồng, dân tộc mà cá nhân ấy là đại diện.

Về điều này, Tổng Giám đốc UNESCO Mayer những năm 80 - 90 của thế kỷ trước đã khẳng định văn hóa là khả năng hợp tác với người khác để giải quyết những công việc cụ thể để cùng hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. Về bản chất, văn hóa công chức của Hà Nội trong thời kỳ tới cũng phải đi theo hướng này. Nó bắt đầu từ con người và hướng tới mục tiêu vì con người. Bởi máy móc, phương tiện cũng không thể thay thế được con người vì suy cho cùng, phương tiện hoàn chỉnh nhất, hiện đại nhất cũng chỉ là phương tiện do con người sáng tạo ra để phục vụ con người.

Văn hóa công chức vẫn cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện gắn với quá trình vận động của đời sống nhưng dù thế nào nó cũng phải vì con người. Vì thế nền tảng của nó là những quy định cụ thể để tạo cho con người điều kiện cần và đủ để thể hiện tốt nhất tinh thần chủ động sáng tạo, hiệu quả trong hợp tác với nhau. Chất lượng công chức phụ thuộc vào chất lượng đào tạo, sự sử dụng và đãi ngộ phù hợp. Nhìn đi, nhìn lại lại thấy toàn những vấn đề của văn hóa.