Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Văn hóa từ thiện - cùng bàn và làm: Bài cuối: Đổi mới để lan tỏa và hiệu quả hơn

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã đến lúc cần đổi mới hơn nữa công tác từ thiện để có thêm nguồn lực vật chất và phi vật chất chăm lo cho người nghèo, người dân gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Cần phải tạo khung pháp lý cần thiết cho hoạt động từ thiện; tạo vị thế, hình ảnh của các cá nhân, đơn vị tích cực tham gia công tác nhân đạo xã hội; đổi mới theo hướng áp dụng CNTT trong công việc.
Bài học về sự phối hợp

Việt Nam là đất nước mà “Lá lành đùm lá rách” đã trở thành đạo lý. Trở thành một phong trào quần chúng đặc biệt, mọi công dân không kể lứa tuổi, địa vị, giàu nghèo đều có thể tham gia. Nên cùng với việc xây dựng hệ thống pháp lý rất cần hình thành văn hóa từ thiện để phong trào nhân đạo xã hội đảm bảo “nhanh, nhạy, kịp thời, hiệu quả” với những hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng, bảo đảm phong trào có tính liên tục, bền vững.

Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về văn hóa từ thiện, cách làm từ thiện nhưng điều mà mọi người phải khẳng định là vai trò của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể địa phương trong vai trò điều phối và giao nhận. Chỗ nào sự phối hợp chặt chẽ thì hiệu quả cao và ngược lại, ở đây không chỉ các đoàn từ thiện phải thấu hiểu địa phương mà ngược lại.
 Chương trình trao quà từ thiện của báo Kinh tế & Đô thị cho bà con tại huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Ngọc Tú
Sự phối hợp càng sớm, ngay từ khâu khảo sát thiệt hại và nhu cầu thì hiệu quả càng cao. Ngay cả quá trình giao nhận, tưởng như đơn giản nhưng không có sự bàn bạc chi tiết, cụ thể và công khai đối tượng, giá trị hỗ trợ thì vừa lãng phí, đôi khi lại không tạo được sự đồng thuận cao trong chính những người được nhận sự giúp đỡ.

Nên mới có chuyện có các thành viên của một quỹ từ thiện bỏ tiền túi đi tiền trạm, khảo sát một xã miền núi cần cụ thể gì rồi về mới phát động quyên góp. Thế nhưng sau khi nhóm xây cho các cháu được lớp học khang trang ấm áp, lại thấy địa phương lấy lại làm... nhà văn hóa, khiến cho người khảo sát “dở khóc, dở cười”. Hóa ra, do địa phương bất ngờ được cấp tiền xây lớp học, nếu nhận phòng học mới sẽ bị cắt kinh phí nên đành… chuyển mục đích sử dụng.

Trở lại chương trình “Chung tay ủng hộ đồng bào vùng lũ miền Trung” của báo Kinh tế & Đô thị mới đây đạt được hiệu quả cao vì báo đã phối hợp với các đồng nghiệp của báo Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế làm tốt việc khảo sát nhu cầu của các vùng lũ lụt. 1.000 suất quà (mỗi suất gồm nhu yếu phẩm và 500.000 đồng), cùng nhiều phần quà giá trị khác (tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng) đã vượt cả ngàn cây số đến tận tay bà con các tỉnh Hà Tĩnh (200 suất), Quảng Bình (300 suất), Quảng Trị (300 suất) và Thừa Thiên Huế (200 suất) rất kịp thời và thiết thực. Đặc biệt, món quà phòng máy tính trị giá 100 triệu đồng của trường THPT Kim Liên (TP Hà Nội) tặng trường THCS Lộc Thủy (Quảng Bình), quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giúp cho thầy và trò nơi đây sớm ổn định việc dạy và học sau lũ.

Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa

Nếu như tổng đài nhân đạo 1400.vn là hình thức áp dụng CNTT vào việc quyên góp tiền cho các hoạt động từ thiện thì mới đây Đề án Chính phủ “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” đã tính đến việc dùng công nghệ kết nối cộng đồng, lan tỏa nhân ái, xây dựng hệ thống thông tin nhân đạo, góp phần thúc đẩy các hoạt động thiện nguyện được minh bạch và kịp thời.

Dự án Bản đồ số Việt Nam (Vmap) và hệ thống kết nối thông tin nhân đạo (iNhandao) tại địa chỉ https://vmap.vn và https://map.itrithuc.vn vừa được khai trương vào đầu tháng 10/2020 do các lập trình viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tập đoàn FPT, nhiều đơn vị, đặc biệt là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã hoàn thành phiên bản thử nghiệm.

Bản đồ địa chỉ nhân đạo điện tử nhằm hỗ trợ việc triển khai các hoạt động nhân đạo. Theo đó, trên hệ thống https://nhandao.itrithuc.vn sẽ hiển thị các thông tin về địa chỉ nhân đạo do cộng đồng người dùng cả nước đề xuất như người già neo đơn, người mắc bệnh hiểm nghèo, người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai… Đây cũng là dự án đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ kết nối các nguồn lực cộng đồng để thực hiện các hoạt động trợ giúp nhân đạo.

Hiện dự án đã hoàn tất giai đoạn 1, triển khai cập nhật dữ liệu địa chỉ nhân đạo để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có thông tin đầy đủ và chính xác về các trường hợp cần trợ giúp, đảm bảo đúng đối tượng, đáp ứng nhu cầu, thuận tiện, đảm bảo minh bạch, rõ ràng. Hệ thống đã cập nhật khoảng 17.000 địa chỉ nhân đạo trên tổng số 60.000 địa chỉ nhân đạo được đề xuất từ khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Thực tế cho thấy ngoài cách thông qua cá nhân, các nhóm, hội tự phát, hay qua các cầu nối trung gian để chuyển tiền - quà đến được tay người dân cần giúp đỡ, hệ thống phần mềm iNHANDAO giúp tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nguồn lực đóng vai trò cầu nối thiết thực. iNhandao giúp những người có hoàn cảnh khó khăn dễ dàng tiếp cận đến những “Mạnh thường quân”.

Ngược lại, những cá nhân tổ chức mong muốn được chia sẻ đến người dân cần được hỗ trợ, có thể tìm kiếm đúng người, đúng địa chỉ một cách đơn giản hơn. Đây cũng là dự án đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ kết nối các nguồn lực cộng đồng để thực hiện các hoạt động trợ giúp nhân đạo.

Đến https://nhandao.itrithuc.vn, mọi người có thể tiếp cận 12 đối tượng khác nhau, đó có thể là: Hỗ trợ khẩn cấp, người già, trẻ em, giáo dục, lũ lụt, người khuyết tật… Hệ thống triển khai xây dựng dữ liệu địa chỉ nhân đạo nhằm cung cấp cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp những thông tin đầy đủ và chính xác về các trường hợp cần trợ giúp và các chiến dịch nhân đạo; đảm bảo việc trợ giúp đúng đối tượng, đúng nhu cầu, thuận tiện, minh bạch, rõ ràng; tạo sự thay đổi lớn về cách làm, mức độ ảnh hưởng tới xã hội; phát triển ứng dụng kết nối, điều phối công tác nhân đạo trên cả nền tảng web và trên điện thoại di động.

Nhà tài trợ ngoài việc triển khai tài trợ thuận tiện cũng có thể theo dõi hoạt động và kết quả tài trợ của mình trên hệ thống một cách dễ dàng, chi tiết. Trong giai đoạn tiếp theo, Hệ thống iNhandao tiến tới mở rộng, đa dạng hóa các hoạt động nhân đạo để mọi tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia. Tất nhiên trong quá trình thử nghiệm, cần phải tổng kết, đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế theo hướng đơn giản hóa cách sử dụng.

Trong phạm vi 5 kỳ của một chuyên đề, chúng tôi không có tham vọng sẽ đề cập hết tất cả các khía cạnh của một vấn đề khá lớn này. Nhưng điều mà người viết và các nhà báo, luật sư, các nhà từ thiện tham gia trao đổi là muốn cung cấp những góc nhìn khác nhau về những mặt được - chưa được trong công tác này.

Hiện có quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn một số cá nhân, tổ chức lợi dụng danh nghĩa từ thiện để tư lợi cho mình. Không có quy định nào cấm hay truy cứu trách nhiệm với cá nhân, tổ chức vận động quyên góp làm từ thiện, giúp đỡ người khác. Vì việc cứu trợ Nhân dân khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn… không chỉ là việc của Nhà nước hay tổ chức, đoàn thể nào mà cần huy động mọi nguồn lực trong dân. Cả về lý và tình, đều khuyến khích mỗi cá nhân, tập thể phát huy tinh thần tương thân, tương ái.


Bằng cái tâm chính mình

"Với một người có nhiều mối quan hệ tốt và rộng rãi thì khi kêu gọi việc thiện đúng nghĩa không còn là việc khó. Điều quan trọng là đem đi đâu và dùng số tiền mình đã kêu gọi được để sử dụng cho đúng mục đích, ý nghĩa. Khi mình triển khai đúng mục đích kêu gọi thì tôi tin mọi người chung tay cùng sẽ an tâm và thoải mái.

Tôi nghĩ, khi tôi có khó khăn thì được mọi người chia sẻ, chìa tay cho tôi nương tựa, thì khi dư dả tôi tâm niệm cũng nên chia sẻ để giúp đỡ người thiếu thốn hơn mình. Có điều cách làm của tôi là âm thầm, lặng lẽ không quảng cáo, truyền thông, đó đơn thuần là thói quen cá nhân. Tùy theo khả năng, mỗi người sẽ có những cách làm khác nhau, nhưng quan trọng nhất phải thật sự làm từ thiện bằng cái tâm chính mình, không hề có một mục đích nào khác. Đây chính là cách gieo duyên cũng rất nhanh và hiệu quả, một trải nghiệm mà tôi đã đúc rút ra sau nhiều năm trời." - Người mẫu, diễn viên điện ảnh, doanh nhân Huỳnh Trang Nhi

Bạn phải chuẩn bị kỹ lưỡng, chuyên nghiệp ở tất cả các khâu

"Nhà trường chúng tôi cũng có chương trình ủng hộ miền Trung, nhưng đi qua đây, thấy báo Kinh tế & Đô thi đang kêu gọi quyên góp, tôi ghé lại tham gia. Đối với trường tiểu học Trung Tự, đây là hoạt động thường niên của cô và trò.

Nói về văn hóa từ thiện, đã tham gia nhiều đoàn từ thiện đi vùng cao Quảng Ninh hay vùng bão lụt Hà Tĩnh, tôi cho rằng báo chí cần đề cập 2 chiều.

Lâu nay, nhiều người chỉ quan niệm đi làm từ thiện đơn giản chỉ là việc trao cho ai đó có hoàn cảnh khó khăn giá trị vật chất hoặc tinh thần, coi đây chỉ là hành động mang tính tương tác một chiều. Nghĩ như thế là chưa đầy đủ, bản thân những người làm từ thiện cũng là người được nhận trong mối quan hệ trên - đó là giá trị về mặt tinh thần khó có thể đong đếm bằng định lượng cụ thể. Trên những chuyến xe trao yêu thương, nhận niềm vui còn rất nhiều trải nghiệm đong đầy cảm xúc mà tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh, ánh mắt sáng ngời, nụ cười tươi rói của những đứa trẻ vùng cao Quảng Ninh khi được nhận bánh kẹo, quần áo ấm, sách vở mới.

Đúng như báo đã viết: “Ai cũng có thể làm từ thiện”, nhưng bắt tay vào việc mới biết để thực hiện một chuyến từ thiện và biến nó trở thành việc làm thường xuyên thì không phải là điều đơn giản. Bạn phải chuẩn bị kỹ lưỡng, chuyên nghiệp ở tất cả các khâu từ khảo sát, quyên góp, trao quà. " - Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, trường Tiểu học Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội (Đông Hùng ghi)