Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vấn nạn đào trộm cổ vật: Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh

Lại Tấn (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Vườn Chuối đã tan tác, địa tầng bị xáo trộn, công cuộc nghiên cứu khoa học về làng xóm đầu tiên của Hà Nội gặp nhiều trở ngại vì đã bị phá hoại tương đối triệt để” – GS.TS Trịnh Sinh - nguyên Cán bộ Viện Khảo cổ học (KCH) đã chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị xung quanh nạn “cổ tặc” hoành hành tại Di chỉ KCH Vườn Chuối, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức.

  GS.TS Trịnh Sinh - nguyên Cán bộ Viện Khảo cổ học (KCH)
“Ăn chia” để đào

Thời gian gần đây, tình trạng đào trộm cổ vật tại di chỉ KCH Vườn Chuối bùng phát trở lại, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

- Vườn Chuối là địa điểm KCH quan trọng. Đó là nơi xuất hiện những bước chân đầu tiên của người Việt từ vùng núi cao tràn xuống châu thổ sông Hồng để lập làng, làm nông, xây dựng nơi tụ cư, làng xóm sầm uất. Cách đây nhiều năm, các nhà KCH đã khai quật ở Vườn Chuối và tìm thấy đồ cổ bằng đồng, gốm. Từ những hiện vật trên, chúng ta chứng minh được người Việt có một lịch sử lâu đời, có cả vật chứng rõ ràng, không chỉ thư tịch. Gần đây, di chỉ KCH này xuất hiện nhiều trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng nên đã gián tiếp quảng bá cho Vườn Chuối có cổ vật nhưng chưa được khai quật. Điều này dẫn tới tình trạng dân đào cổ vật kéo đến đào xới với hy vọng sẽ tìm được cổ vật có giá trị ở nơi này.

Chỉ trong vòng một tháng, hơn 20 hố đào xuất hiện tại di chỉ KCH Vườn Chuối. “Cổ tặc” sẵn sàng lót tay cho người dân, cơ quan chức năng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Ông đánh giá về hành vi trên như thế nào?

- Nếu không tuyên truyền để người dân địa phương nhận thức được tầm quan trọng của cổ vật thì họ sẽ làm ngơ hoặc tiếp tay cho vi phạm. Tôi đã đi khai quật khảo cổ ở nhiều nơi, người đào trộm cổ vật sẵn sàng trả tiền cho người dân địa phương. Ví dụ như ở di chỉ KCH Làng Vạc (Nghệ An), người săn cổ vật vào tận nhà dân để đào. Tôi chắc chắn phải có động lực kinh tế, họ mới cho người lạ vào vườn nhà mình để đào xới. Chắc chắn có một sự làm ngơ, thậm chí tệ hơn là sự ăn chia của một số người dân với chính quyền.
Hiện trường khai quật khảo cổ học Vườn Chuối (Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: Linh Anh
Phải chăng các đối tượng đào trộm cổ vật đang hoạt động ngày càng tinh vi và khó kiểm soát hơn, thưa ông?

- Hiện nay, địa điểm nào được các nhà khảo cổ quan tâm là đối tượng đào trộm đồ cổ cũng tìm đến. Họ nhạy bén và nhanh hơn giới khoa học. Các đối tượng đào trộm vừa đào vừa thu cổ vật nên rất nhanh, gọn và bất ngờ. Đội quân này có loại máy dò đơn giản, chí phí thấp nhưng rất hiệu quả. Máy dò gồm: 2 pin con thỏ, dây điện, 1 tấm chảo to, 1 cây gậy, trị giá vài trăm nghìn đồng nhưng dò đâu trúng đó. Thiết bị này vẫn là một bí mật với các nhà KCH.

Coi nhẹ xử phạt

Theo ông, nguyên nhân nào khiến “cổ tặc” hoành hành như hiện nay?

- Theo tôi, Luật Di sản cần có chế tài mạnh hơn nữa. Hiện nay, Luật quy định chỉ phạt cảnh cáo, thu lại cổ vật mà không phạt tù. Thực tế, trước khi có Luật Di sản, vào năm thập niên 80 của thế kỷ trước, người nào đào được trống đồng phải nộp cho Nhà nước. Nếu cố tình vi phạm sẽ bị trừng phạt, thậm chí bị bắt giam. Nhưng từ khi có Luật Di sản, ai đào được trống đồng còn được thưởng, một số trường hợp được sở hữu. Do vậy, sau khi có Luật Di sản, cổ vật bị săn lùng nhiều hơn. Như ở Vườn Chuối, ngay sau khi có thông tin từ báo chí, internet là có cổ vật, các đối tượng đào trộm đã tìm đến. Chưa kể, trong thời gian vừa qua có sự tranh luật gay gắt giữa các cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu trong việc bảo tồn bao nhiêu mét vuông hay giải phóng toàn bộ khu di chỉ KCH Vườn Chuối. Tất cả mới dừng lại ở bàn bạc, dự định, công văn đi lại giữa các cơ quan trong TP Hà Nội mà chưa đưa ra giải pháp cụ thể. Cuối cùng, đội ngũ đào đồ cổ chớp được thời cơ, đào nhiều hố ở di tích Vườn Chuối.

Cơ quan chức năng cần có giải pháp gì để hạn chế tình trạng mất trộm cổ vật tại các di chỉ KCH, thưa ông?

- Về hành chính, chúng ta phải thành lập một đội tuần tra địa phương. Tuyên truyền để người dân nhận thức tầm quan trọng của cổ vật, di chỉ KCH, để họ không làm ngơ hoăc tiếp tay cho các đối tượng trộm cổ vật. Cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh hơn nữa, đủ sức răn đe các đối tượng đào trộm cổ vật và các cá nhân, tổ chức liên quan. Song song với biện pháp ngăn ngừa, việc bảo vệ di chỉ khảo cổ học cần có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà KCH. Họ cần biết hiện trạng di tích như thế nào, dưới đất có gì, cần có các cuộc thám sát tại nhiều điểm xem trữ lượng hiện vật tại di tích đến đâu. Từ đó, chúng ta xác định chỗ nào có nhiều cổ vật để bảo vệ lâu dài, chỗ nào không có cổ vật thì giải phóng để các đơn vị khác làm việc.

Xin cảm ơn ông!