Khách vắng, bến xe cắt giảm nhân sự phục vụ
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội Nguyễn Anh Toàn cho biết, theo yêu cầu của Sở GTVT Hà Nội, các đơn vị khai thác bến xe đã xây dựng phương án bố trí xe dự phòng, xe tăng cường để phục vụ hành khách trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và các lễ hội. Mặt khác, các lực lượng chức năng như Công an TP, chính quyền địa phương, Thanh tra Sở GTVT cũng đã sẵn sàng để bảo đảm trật tự ATGT trong và ngoài khu vực bến xe. Tuy nhiên, dù chỉ còn vài ngày nữa là tới kỳ nghỉ Tết Dương lịch nhưng cảnh bến vắng người, xe vắng khách cho thấy một mùa Tết ảm đạm của ngành vận tải hành khách liên tỉnh. Theo ông Nguyễn Anh Toàn, hiện các bến xe đang chỉ sắp xếp khoảng 30% nhân sự làm việc tại các vị trí. Việc giảm thiểu nhân sự dựa trên tình hình xe xuất bến vô cùng thấp, mỗi giờ chưa đầy 20 xe xuất bến. Trong khi đó, lượng hành khách cũng chỉ ở mức 20 – 25% thông thường, không ít tuyến xe đường dài chạy với 2 – 3 khách hoặc xe trống.Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và các đợt giãn cách xã hội, đến nay, các DN khai thác bến cũng lâm vào tình cảnh khó khăn, phải tính toán chi trả lương cho nhân viên. “Thông thường, từ một tuần trước Tết Dương lịch, lượng khách ở các bến đã đông đúc nhưng năm nay lại không có chút chuyển biến nào. Vì vậy, có thể dự báo tình trạng tương tự sẽ diễn ra vào đợt Tết Nguyên đán. Nếu có đột biến về số lượng hành khách, chúng tôi chắc chắn sẽ đảm bảo bổ sung các phương án để phục vụ đủ nhu cầu đi lại của người dân” – ông Nguyễn Anh Toàn nhận định.Xe chạy dồn vẫn không có kháchGhi nhận tại bến xe Mỹ Đình trong thời điểm sát Tết Dương lịch 2022, phòng chờ khá vắng lặng, ở bến chủ yếu là nhân viên bến hoặc các lái, phụ xe. Một chủ xe khách tuyến Điện Biên – Hà Nội cho biết, xe thường xuyên chạy “âm” kể từ sau đợt giãn cách khi lượng khách và hàng hóa lưu chuyển từ cả hai đầu tuyến đều không có. “Mấy ngày qua, xe tôi âm cả tiền dầu, chưa kể chi phí trả công cho lái, phụ xe, có những chuyến xe chỉ có 3 khách từ Hà Nội lên Điện Biên. Kể từ sau dịch, xe chạy chuyến nhiều nhất là 20 người, không đạt đến 50% công suất được cơ quan chức năng cho phép” - anh này chia sẻ.Tương tự, anh Trần Văn Đông, chủ xe chạy tuyến Hà Nội – Sơn La cũng thở dài ngao ngán khi nhắc đến những ngày Tết cận kề. “Năm nay chúng tôi coi như mất Tết vì suốt mấy tháng vừa qua xe chạy chỉ từ hòa đến lỗ” - anh Trần Văn Đông nói. Theo chủ xe này, để giảm thiểu chi phí, mặc dù đã dồn khách từ 4 xe thành một và giãn thời gian nhưng mỗi lượt đi và về, lượng người đi xe cũng chỉ lác đác đếm trên đầu ngón tay.Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng, do tình hình dịch bệnh vẫn đang có diễn tiến phức tạp nên hành khách từ các tỉnh, TP về Hà Nội xuống thấp cũng là điều dễ hiểu. Nếu không có công việc thực sự cấp bách, người dân sẽ tự hạn chế đi lại qua các vùng. Nhìn nhận khách quan thì đây điều cần thiết trong thời gian cả nước đang gồng mình chống dịch. Mặt khác, hiện nay Chính phủ đã có nhiều chính sách miễn, giảm chi phí hoạt động nhằm hỗ trợ DN kinh doanh vận tải trong thời kỳ rất khó khăn. Dù vậy, theo chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng, các lực lượng chức năng cần quyết liệt hơn với xe dù, bến cóc đang diễn ra phổ biến tại Hà Nội. “Việc làm này vừa đảm bảo hành khách sẽ sử dụng đúng xe có luồng, tuyến được cấp phép, tăng lượng khách tới bến, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 và truy vết khi cần” – chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng cho biết.