|
Vàng chính là nguyên nhân khiến DongA Bank xuống dốc và Trần Phương Bình "ngã ngựa" |
Tuần qua, việc nguyên Tổng giám đốc DongA Bank bị bắt đã tạo ra một cơn chấn động trong ngành tài chính ngân hàng. Từng được đánh giá là một trong những nhân vật tài năng nhất trong ngành nhưng với quyết định mang tính "đánh bạc" vào vàng, giờ đây mọi thứ dường như đã chấm hết với người đàn ông này.DongA Bank được thành lập vào năm 1992 với số vốn điều lệ chỉ 20 tỷ đồng nhưng nhờ chiến lược đúng đắn là tập trung vào khách hàng cá nhân và tiên phong ứng dụng công nghệ mới nên ngân hàng này đã có một giai đoạn phát triển tương đối mạnh. Quãng thời gian 2006 - 2011 cũng là giai đoạn DongA Bank rực rỡ nhất với mức tăng trưởng cao, lợi tức dành cho cổ đông luôn duy trì ở mức hai con số, đỉnh điểm là mức lợi nhuận kỷ lục 947 tỷ đồng vào năm 2011. Kiến trúc sư chính cho những thành tựu này chính là vị Tổng giám đốc Trần Phương Bình.
Tuy nhiên ngay trong giai đoạn đỉnh cao, DongA Bank đã lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, hướng đi mà sau này đã góp phần khiến ngân hàng tuột dốc không phanh. Do quá mạnh tay vung tiền cho các khoản vay bất động sản, nợ xấu của ngân hàng liên tục tăng cao, từ mức 1,69% của 2011 lên 3,95% của 2012 và tới 3,99% vào 2013. Tới năm 2014, mặc dù không công bố nợ xấu nhưng giới tài chính dự đoán con số này nhiều khả năng còn lớn hơn so với 2013. Trong giai đoạn 2011 - 2014, lợi nhuận trước thuế giảm mạnh từ 1.255 tỷ đồng xuống còn 35 tỷ đồng và lãi cơ bản từ cổ phiếu giảm từ 2.105 tỷ đồng xuống còn 54 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn này, bên cạnh bất động sản, ông Trần Phương Bình còn chọn canh bạc khác, nguy hiểm hơn rất nhiều, đó là vàng. Ở thời điểm bắt đầu cuộc chơi với vàng, DongA Bank có rất nhiều thuận lợi cũng như cơ duyên.
Đầu năm 2011, DongA Bank là 1 trong 5 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cho phép bán vàng bình ổn giá. Cùng với Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), nhóm này cũng được phép kinh doanh vàng tài khoản nước ngoài. Ngoài ra, ngân hàng còn có sự hậu thuẫn từ cổ đông là Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), nơi bà Cao Thị Ngọc Dung, vợ ông Trần Phương Bình làm Chủ tịch HĐQT.
Tuy nhiên, ngay trong năm 2011, thị trường vàng quốc tế đã có nhiều biến động mạnh, sức cạnh tranh khốc liệt nhiều hơn so với những năm trước. Mọi thứ tồi tệ đến mức, năm 2012, Ngân hàng Nhà nước phải siết chặt kinh doanh vàng, buộc ngân hàng thương mại phải đóng ngay tài khoản vàng ở nước ngoài, sau đó là chấm dứt hoàn toàn trạng thái vàng trước 30/6/2013. Với quyết định này, canh bạc đầu tư vào vàng của DongA Bank đã hoàn toàn thất bại.
Báo cáo tài chính năm 2014 đã chỉ rõ, DongA Bank phải để lại số tiền rất lớn cho vốn huy động cho dự trữ bắt buộc và dự phòng thanh khoản lên đến 26.520 tỷ đồng, vượt xa mức quy định 10 – 15% tương đương 7.000-10.000 tỉ đồng. Ở thời điểm đó, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, đây là hậu quả mà DongA Bank phải nhận sau khi đầu tư vào vàng thất bại và không loại trừ khả năng nằm chính tại kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài.
Một trong những nỗ lực cuối cùng của ông Trần Phương Bình nhằm cứu vãn tình hình của DongA Bank là thúc đẩy thương vụ thu hút vốn đầu tư của Tập đoàn Kinh Đô nhưng đáng tiếc sau đó lại thất bại. Tới tháng 8/2015, vị Tổng giám đốc này đã bị Ban kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đình chỉ chức vụ. Tới 10/12/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trần Phương Bình do vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động tiền tệ ngân hàng.
Đáng chú ý, cũng tại thời điểm trên, DongA Bank đã tiến hành kiểm tra quỹ của ngân hàng và phát hiện quỹ Hội sở và quỹ Sở giao dịch bị thiếu hụt hơn 2.000 tỉ đồng, bên cạnh đó là số vàng lên tới 62.000 lượng. Được biết, số tiền này do ông Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới xuất ra từ số vàng của khách hàng gửi tại ngân hàng để mang đi bán, lấy tiền trả các khoản thiếu hụt mà ông này đã đề nghị rút trái quy định trước đó.
NHNN bảo vệ quyền lợi người gửi tiền: Trong thông báo phát đi ngày 11/12, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ bảo vệ đầy đủ quyền lợi của người gửi tiền, sau khi Cơ quan CSĐT tiến hành các thủ tục khởi tố và bắt tạm giam một số cán bộ nguyên là lãnh đạo DongA Bank. Ngân hàng Nhà nước cũng đã cử các cán bộ tiếp quản các vị trí chủ chốt để chỉ đạo xây dựng Đề án tái cơ cấu, củng cố toàn diện tổ chức và hoạt động của DongA Bank. Từ tháng 1 - 11/2016, nguồn vốn huy động của ngân hàng liên tục tăng trưởng với mức tăng bình quân mỗi tháng là 1,5%. Cuối tháng 11/2016, nguồn vốn huy động tăng trưởng hơn 5% so cuối năm 2015. Dư nợ tín dụng có sự tăng trưởng trở lại từ tháng 8/016 đến nay. Số lượng khách hàng là hơn 7 triệu. Về công tác thu hồi xử lý nợ xấu, tính từ thời điểm 13/8/2015 đến 30/11/2016, ngân hàng đã xử lý và thu hồi được 3.655 tỉ đồng. |