[Vành đai 4 - xương sống đưa Vùng Thủ đô cất cánh] Bài 3: Cần những quyết sách mạnh mẽ

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được nghiên cứu từ 10 năm trước, đến nay có nhiều vấn đề không còn phù hợp với hoàn cảnh mới, cần được xem xét điều chỉnh. Bên cạnh đó, công tác GPMB là khâu then chốt của Dự án, cần được thực hiện dứt khoát, nhanh chóng mới có thể tránh được nguy cơ chậm tiến độ, bế tắc nhiều năm.

Gấp rút điều chỉnh quy hoạch
Tháng 5 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chủ trì Hội nghị triển khai dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, với sự tham gia của lãnh đạo các tỉnh, TP liên quan như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).
Tại hội nghị, nhiều vấn đề cần xem xét, điều chỉnh đã được các địa phương nêu ra. Trong đó đặc biệt là việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết hướng tuyến và thiết kế kỹ thuật đường Vành đai 4. Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên chia sẻ: "Đây là giấc mơ của nhiều tỉnh, TP, là một bước rất quan trọng để hình thành vùng đô thị phía Bắc".
Hà Nội và các tỉnh liên quan ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai dự án Vành đai 4 tháng 5/2021
Tuy nhiên, theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, hướng tuyến của Vành đai 4 sẽ cắt qua một số khu công nghiệp, khu đô thị trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, nếu đi thấp sẽ có thể gây chia cắt từng khu vực. Bởi vậy, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã đề xuất điều chỉnh quy hoạch để tuyến đường đi tránh các khu công nghiệp, khu đô thị, trường hợp bất khả kháng nên làm đường trên cao để tránh xung đột.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Hà Nội và các địa phương liên quan cùng Bộ GTVT đã thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh bổ sung phương án thành phần đường cao tốc trên cao thay cho việc đi bằng như quy hoạch hiện nay. Đồng thời nghiên cứu đầu tư mới và nâng cấp đoạn đi trùng Quốc lộ 18 (phía Bắc Sân bay Nội Bài) để khép kín tuyến Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nhận định, việc điều chỉnh quy hoạch là cần thiết. Bởi nếu để hướng tuyến Vành đai 4 đi cắt giữa các khu công nghiệp, khu đô thị sẽ phá vỡ quy hoạch, kết cấu của các vị trí này. Hơn nữa, khối lượng, chi phí GPMB sẽ rất lớn, ảnh hưởng không nhỏ tới tính khả thi của dự án.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo cho hay, công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường Vành đai 4 có một số điểm khác so với các dự án trước đây do Hà Nội thực hiện. Cụ thể, đây là dự án cao tốc vành đai có tính liên vùng đi qua 3 tỉnh, TP, thông thường sẽ do Bộ GTVT thực hiện. Nhưng với dự án này, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã chủ động đề xuất liên kết với các tỉnh bạn, được ủng hộ, nhất trí cao đề cử làm cơ quan chủ trì, và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương. Mặt khác, dự án được đầu tư theo hình thức hỗn hợp giữa đầu tư công và đối tác công tư nên cần thiết phải chia nhỏ thành các dự án thành phần, tương ứng với các nguồn vốn, hình thức đầu tư và xác định chủ đầu tư khác nhau nhằm phù hợp tính chất, quy mô công việc, đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện.

Giải phóng mặt bằng phải đi trước
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, kinh nghiệm từ nhiều dự án hạ tầng giao thông thời gian qua, vướng mắc chủ yếu ở khâu GPMB, dẫn đến chậm tiến độ toàn dự án. Với dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, các địa phương cùng Bộ GTVT đã đồng trình Thủ tướng Chính phủ cho thực hiện chủ trương GPMB một lần toàn tuyến, có mặt bằng sạch mới kêu gọi đầu tư để khi nhà đầu tư vào triển khai là thông suốt, đảm bảo tiến độ.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo nhận định, để triển khai dự án được thuận lợi, GPMB là công việc rất quan trọng và cần phải đảm bảo các nguyên tắc chung. Đó là tách công tác bồi thường, GPMB, tái định cư thành các tiểu dự án tương ứng với từng địa phương, phù hợp với điều kiện, đặc thù, cơ chế chính sách của mỗi tỉnh, TP.

Trong đó, GPMB toàn bộ mặt cắt quy hoạch một lần theo đúng chỉ giới quy hoạch, tránh phức tạp, mất ổn định đời sống, gây bức xúc người dân khi thực hiện GPMB nhiều lần. Các địa phương có tuyến đường đi qua cần chủ động tổ chức rà soát những nội dung liên quan công tác bồi thường, GPMB, tái định cư.

"Về phía Hà Nội, TP đã chủ động chỉ đạo các quận, huyện có Vành đai 4 đi qua tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch; rà soát chuẩn bị các quỹ nhà, quỹ đất phục vụ công tác tái định cư. TP cũng ưu tiên cân đối bố trí vốn cho dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025" - ông Trần Hữu Bảo nói.

Cũng liên quan đến GPMB, Giám đốc Sở GTVT Bắc Ninh Lê Ngọc Tuyển chia sẻ: "Về những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án chủ yếu sẽ liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Vấn đề này, tất cả các dự án xây dựng giao thông đều gặp phải. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng trong quá trình thực hiện, mọi khó khăn sẽ được xử lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân".

Các chuyên gia cho rằng, việc "dọn" sạch mặt bằng trước rồi mới kêu gọi đầu tư là cách làm khoa học, hiệu quả. Các địa phương cần nhanh chóng, quyết liệt vào cuộc ngay khi dự án được phê duyệt, quan trọng nhất là bố trí đủ kinh phí để thực hiện GPMB. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai dự án, rà soát quy hoạch chi tiết hướng tuyến nếu phát hiện những bất cập, các địa phương cần mạnh dạn đề xuất điều chỉnh cho phù hợp, hạn chế tối đa ảnh hướng đến người dân, công trình văn hóa, lịch sử, an ninh, quốc phòng và đảm bảo những yêu cầu về kỹ thuật cho tuyến đường.

Hà Nội và các địa phương liên quan rất cần sự hỗ trợ thiết thực, mạnh mẽ của bộ, ngành T.Ư trong việc ưu tiên bố trí cấp phát đầy đủ phần vốn T.Ư dành cho dự án cũng như hướng dẫn thẩm định phương án tài chính, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư... Đặc biệt là sự sâu sát, kịp thời của Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình nghiên cứu quy hoạch chi tiết tuyến đường; thẩm định và phê duyệt các bước của dự án; thỏa thuận thông số kỹ thuật những công trình vượt sông có liên quan đến lĩnh vực đê điều, phòng chống lũ; đấu nối với các tuyến giao thông lân cận...

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ chiếm dụng khoảng 1.466ha đất. Hà Nội cần 904ha; Hưng Yên cần 277ha; Bắc Ninh cần 285ha. Trong đó, đất trồng lúa khoảng 918ha, đất nông nghiệp khác khoảng 334ha, đất dân cư khoảng 44ha, đất khác khoảng 170ha. Sẽ có khoảng 14.647 hộ dân bị ảnh hưởng, khoảng 1.997 hộ phải tái định cư. Chi phí GPMB toàn dự án dự kiến 24.242 tỷ đồng lấy từ nguồn ngân sách T.Ư và các địa phương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần