[Vành đai 4 - xương sống đưa Vùng Thủ đô cất cánh] Bài cuối: Khơi thông nguồn vốn đầu tư

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những khó khăn lớn nhất của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là nguồn vốn. Nếu không có cơ chế khơi thông nguồn vốn đầu tư xã hội hóa, ngân sách sẽ không thể đáp ứng nổi con số trên 94.000 tỷ đồng mà dự án cần có.

Bế tắc nhiều năm
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020, đoạn tuyến Vành đai 4 nằm trên địa phận Hà Nội và đoạn nối từ cầu Mễ Sở đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thuộc địa bàn tỉnh Hưng Yên đã có 3 nhà đầu tư đề xuất thực hiện theo hình thức đối tác công tư PPP, loại hợp đồng BT và BOT. Tuy nhiên, các dự án theo hình thức hợp đồng BT đã dừng triển khai thực hiện theo quy định mới, không còn hình thức hợp đồng BT. Các đoạn tuyến còn lại trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh chưa được triển khai nghiên cứu đầu tư.
 Tuyến đường Vành đai 4 hoàn thiện sẽ góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế cho Hà Nội và các tỉnh lân cận. Ảnh: Phạm Hùng
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được phê duyệt quy hoạch từ năm 2011. 10 năm qua, do rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thiếu nguồn lực nên dự án chưa thể triển khai được, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của Hà Nội và cả Vùng Thủ đô.

Theo tính toán ban đầu, dự án có thể cần đến 135.000 tỷ đồng đầu tư, bao gồm cả chi phí xây lắp và GPMB. Tuy nhiên, sau đó dự án được điều chỉnh, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự kiến tổng mức đầu tư của dự án là 94.127 tỷ đồng. Dẫu vậy, con số này vẫn quá lớn, ngân sách không thể đáp ứng.

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án sẽ được chia làm 3 dự án thành phần. Dự án thành phần số 1 là GPMB, sơ bộ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vào khoảng 24.242 tỷ đồng. Dự án thành phần số 2 là xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành cần khoảng 9.399 tỷ đồng.

Riêng dự án thành phần số 3 được xem là trọng tâm với việc đầu tư hệ thống đường cao tốc toàn tuyến và tuyến nối 9km đi trùng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, dự kiến sẽ được thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Suất đầu tư cho dự án thành phần này (bao gồm lãi vay) vào khoảng 60.486 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước tham gia khoảng 31.486 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư huy động khoảng 26.056 tỷ đồng.

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành chia sẻ: “Việc lựa chọn hình thức đầu tư hỗn hợp đầu tư công và phương thức PPP, loại hợp đồng BOT là rất cần thiết, nhằm đảm bảo tính khả khi của dự án. Điều quan trọng là phải cân đối nguồn lực, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với các nhà đầu tư”.

Nhiều chuyên gia còn cho rằng, dù sau 10 năm hay 20 năm nữa, việc đầu tư xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô cũng vẫn cần đến nguồn lực xã hội hóa. Càng phát triển, càng mở rộng đầu tư, nguồn lực đó càng đóng vai trò quan trọng. Nhà nước cần tiếp tục đưa ra những chính sách hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư để tận dụng nguồn lực vô cùng to lớn này.

Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư

Các chuyên gia cho rằng, việc lựa chọn nhà đầu tư cho dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô cần được xác định thông qua đấu thầu. Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan phân tích: “Các điều kiện tham gia dự thầu như kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, chi phí tối giảm… sẽ giúp sàng lọc, lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất cho dự án”.

Tuy nhiên, chuyên gia giao thông Đỗ Cao Phan cho rằng, Nhà nước cũng cần có cơ chế cởi mở để hấp dẫn nhà đầu tư. Trong bối cảnh hiện này khi phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng BT đã phải dừng triển khai, chỉ còn loại hợp đồng BOT là khả thi nhất. Các nhà đầu tư sẽ xây dựng, thu phí trong thời gian nhất định rồi chuyển giao lại cho Nhà nước. Nhưng nếu trong thời gian khai thác, doanh thu của tuyến đường không đảm bảo hiệu quả như tính toán ban đầu, nhà đầu tư sẽ rất thiệt thòi. “Vậy Nhà nước cần có cơ chế phù hợp để hỗ trợ nhà đầu tư trong khi vẫn đảm bảo lợi ích của người dân? Đó là bài toán không dễ giải” - ông Đỗ Cao Phan nói.

Có ý kiến cho rằng, với một tuyến cao tốc kéo dài hàng trăm cây số như Vành đai 4 sẽ rất cần các trạm dừng nghỉ, tiếp vận dọc đường. Nhà nước có thể xem xét, cho phép nhà đầu tư khai thác nguồn lợi từ các dịch vụ này, hỗ trợ cho thuê đất dài hạn… đưa một phần khoản thu đó vào bài tính thu hồi vốn của dự án. Như vậy có thể khuyến khích nhà đầu tư mạnh dạn hơn.

Mặt khác, trong quá trình triển khai, Nhà nước cần quyết liệt hoàn thành công tác GPMB cũng như xây dựng, đấu nối các tuyến đường đô thị song hành, nhằm đảm bảo bắt kịp tiến độ của tuyến chính. Có như vậy mới tránh được nguy cơ chậm tiến độ, khiến nhà đầu tư “sa lầy”; đồng thời phát huy tối đa hiệu quả của dự án. Ngoài ra, việc tính toán giá phí BOT trên tuyến Vành đai 4 cũng cần phải cân nhắc kỹ, tránh gây bức xúc cho người dân như nhiều dự án BOT trước đó đã từng vấp phải.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội đã xác định, một trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ là “Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, TP trong Vùng Thủ đô”. Vành đai 4 là đường vành đai ngoài khu vực nội đô của đô thị trung tâm Thủ đô Hà Nội, liên kết với các tuyến đường bộ cao tốc, các tuyến đường trục hướng tâm, kết nối TP Hà Nội với các tỉnh lân cận. Việc sớm đầu tư tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong Chương trình hành động của Đảng bộ TP thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP, nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch.