Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

VFF quyết trị thói bạo lực sân cỏ

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm qua (20/12), VFF đã chính thức phát đi thông điệp thể hiện sự không hài lòng về cách chơi của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup.

Nó là chỉ dấu cho thấy, nội bộ VFF đang bức xúc với thành tích yếu kém của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup vừa qua.

Phát biểu với báo giới, Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Xuân Gụ đã thẳng thắn phê phán lối chơi bạo lực của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup: “Cầu thủ chưa có sự kiềm chế. Chúng ta có hai thẻ đỏ trực tiếp, 7 thẻ vàng. Điều đó khiến chúng tôi phải động não suy nghĩ cần phải làm gì để xử lý những vấn đề này. Hãy nhìn Thái Lan có 5 thẻ vàng khi họ chơi đủ các trận tại AFF Cup. Họ chơi bóng đẹp thực sự”. Theo ông Gụ, điểm khác biệt giữa đội tuyển Thái Lan và đội tuyển Việt Nam chính là việc, đối thủ chơi bóng trong khi chúng ta chỉ dừng lại ở mức chơi bóng.
  Tình huống nguy hiểm của Bửu Ngọc gây ra với Duy Long.

Điều khiến dư luận bức xúc đầu tiên chính là việc, lối đá đậm chất bạo lực của đội tuyển Việt Nam. Người ta không thể chấp nhận những pha phạm lỗi ác ý và thiếu sự cân nhắc của Đình Luật, Ngọc Hải, Trọng Hoàng và đặc biệt là Nguyên Mạnh. Đội tuyển Việt Nam vốn nổi tiếng nhờ lối đá đẹp, kỹ thuật và tinh thần cao thượng trong thi đấu. Thế nhưng, dưới thời ông Thắng, đội tuyển Việt Nam coi sự quyết liệt làm vũ khí. Nhưng, sự quyết liệt không đồng nghĩa với bạo lực sân cỏ.

Điều thứ hai khiến giới chuyên môn bất bình với cách cầm quân của ông Thắng là những sai lầm của cầu thủ làm ảnh hưởng đến khả năng đi tiếp của tuyển Việt Nam. Ngọc Hải khiến tuyển Việt Nam phải nhận phạt đền. Và đỉnh điểm là thủ môn Nguyên Mạnh đẩy đội tuyển Việt Nam vào thế 10 chống 11 trong gần hết thời gian trận đấu.

Một trong những nguyên nhân khiến đội tuyển Việt Nam chơi bóng bạo lực và phải trả giá chính là sự cẩu thả đã thành thói quen của các cầu thủ. Với bóng đá Việt Nam, những pha bóng quyết liệt ở trên mức cần thiết luôn được dung túng bởi các đội bóng và đặc biệt là đội ngũ trọng tài. Thậm chí, còn được coi là “bản sắc” của một đội bóng và là cơ sở để ghi nhận công trạng của từng cầu thủ.

Có nhiều lý do khiến lối chơi bóng bạo lực có đất để phát triển. Bên cạnh sự dung túng của trọng tài, thì việc Ban Kỷ luật không đưa ra án phạt nghiêm khắc khiến cầu thủ có dấu hiệu nhờn thuốc. Nhưng khi bước ra đấu trường quốc tế, các trọng tài vốn không chịu tác động của các đội bóng đã không kiêng nể những pha bóng quá giới hạn cho phép của cầu thủ Việt Nam.

Vì thế, VFF cho biết, trong mùa giải mới, họ sẽ đặt vấn đề chống bạo lực sân cỏ lên hàng đầu. Luật sẽ được điều chỉnh nhằm tăng nặng hình phạt đối với những pha bóng có tính chất triệt hạ đối phương. Các trọng tài cũng được khuyến cáo phải làm nghiêm và thường xuyên cập nhật luật mới từ FIFA thay vì nương tay cho các đội bóng chơi thứ bóng đá bạo lực. VFF cũng đưa ra hình thức kỷ luật mềm đó là không triệu tập lên đội tuyển những cầu thủ chơi bóng quá rắn. VFF tin rằng, hình thức kỷ luật này khiến các cầu thủ phải cân nhắc thiệt hơn. Bên cạnh đó, VFF không muốn đánh đổi thương hiệu của đội tuyển cho thứ bóng đá phản nghệ thuật để rồi trả giá đắt về thương quyền.