Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vi phạm trật tự xây dựng: Khi chế tài chưa đủ sức răn đe

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Xây dựng đang tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng. Riêng vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng (TTXD), kinh doanh bất động sản, có hành vi bị xử phạt lên đến 1 tỷ đồng. Nhưng các chuyên gia cho rằng, mức xử phạt như vậy chưa đủ sức răn đe trước tình trạng vi phạm TTXD ngày càng phức tạp.

Vi phạm phức tạp
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng, tình hình vi phạm TTXD vẫn đang diễn biến phức tạp. Bên cạnh những vi phạm của cá nhân, hộ gia đình nhỏ lẻ, hàng loạt dự án bất động sản lớn cũng bị cơ quan chức năng nêu tên.
Đơn cử, dự án Khu nhà ở và công trình công cộng số 409 đường Nguyễn Tam Trinh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) do Tổng Công ty CP Đầu tư xây dựng & thương mại Việt Nam làm chủ đầu tư, có 4 thửa đất thấp tầng ký hiệu C12, C13, C36, C37 mà phần diện tích xây dựng tăng thêm mỗi thửa là 30m2, ra phần diện tích đất đường giao thông nội bộ so với quy hoạch tổng mặt bằng.
“Chủ đầu tư đã tự ý chuyển nhượng cho khách hàng nhưng chưa được các cơ quan chức năng điều chỉnh quy hoạch; chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, xác định và thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung, vi phạm Điều 72 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013” – văn bản Kết luận số 1183/2021/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Công trình chung cư số 25 Tân Mai (Hà Nội) mới bị UBND TP ra quyết định xử phạt 275 triệu đồng vì vi phạm TTXD.
Trước đó, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định xử phạt hành chính về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với Công ty cổ phần Licogi 19 - chủ đầu tư chung cư số 25 phố Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) số tiền phạt 275 triệu đồng, do tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung, tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần diện tích không phải để ở trong nhà chung cư có mục đích hỗn hợp.
Ngoài ra, còn hàng loạt công trình “khủng” sai phạm TTXD, xây vượt tầng đã được cơ quan chức năng công khai danh tính trên các cổng thông tin điện tử, như: Dự án tòa nhà hỗn hợp Phúc La (Hà Đông); Tòa HH01 - thuộc dự án khu chức năng đô thị Đại Mỗ (Nam Từ Liêm); Công trình nhà đa năng khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai (Thạch Thất); Chung cư cao tầng tại số 62 Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân)...
Chế tài chưa đủ nặng
Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm TTXD của tổ chức, doanh nghiệp là 300 triệu đồng. Tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 139, Bộ Xây dựng đang đề xuất mức phạt tăng lên 1 tỷ đồng đối với vi phạm trong lĩnh vực TTXD, kinh doanh bất động sản.
Theo luật sư Hoàng Văn Đạo - Hội Luật gia Việt Nam, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định rõ ràng về việc xử phạt, nhưng chưa quy định chi tiết cho từng giai đoạn tồn tại của công trình.
“Những công trình đang xây dựng một mặt sẽ bị phạt hành chính bằng tiền, yêu cầu khắc phục hậu quả hoặc tước giấy phép xây dựng. Nhưng vẫn thiếu căn cứ để xử lý đối với những công trình khi người dân đã vào ở. Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định và hướng dẫn về việc xử lý các công trình khi đã có người ở ra sao?” – luật sư Hoàng Đạo cho hay.
Theo đánh giá, mức đề xuất xử phạt vi phạm TTXD tối đa 1 tỷ đồng chưa đủ sức răn đe. Ảnh chụp trước thời điểm 27/4/2021
Ở khía cạnh khác, KTS Nguyễn Văn Thanh - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, mức xử phạt như vậy là chưa đủ răn đe đối với những chủ đầu tư vi phạm. “Nếu 1 dự án, chủ đầu tư xây dựng vượt thêm 1 tầng sẽ có hàng chục căn hộ nữa được bán, số tiền thu lại từ vài chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, nên việc nộp 1 tỷ đồng kịch khung quy định là việc hết sức đơn giản” – KTS Nguyễn Văn Thanh phân tích.
Cũng theo KTS Nguyễn Văn Thanh, xử lý công trình vi phạm TTXD không nên chỉ chăm chăm nhìn vào vấn đề phạt tiền hay tháo dỡ, vì vấn đề này gây lãng phí nguồn lực xã hội, những công trình đã đưa vào sử dụng ảnh hưởng tâm lý người dân. “Bản chất của vấn đề này phải loại bỏ dứt điểm tham ô – tham nhũng trong quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng. Đó chính là trách nhiệm của cơ quan quản lý khi để xảy ra vấn nạn này” – KTS Nguyễn Văn Thanh nhìn nhận.
Đồng quan điểm, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, phải có sự “hậu thuẫn” của một số người đứng đầu cơ quan quản lý thì DN mới dám sai phạm, vì bản chất của DN rất sợ pháp luật. Theo lý giải của KTS Phạm Thanh Tùng, một công trình “khủng” sai phạm cần phải xử lý ngay từ thời điểm đang thi công, đến khi hoàn thiện, người dân đã vào ở sẽ khó để xử lý, đặc biệt liên quan đến tháo dỡ vừa ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, tiêu tốn tài chính Nhà nước. Vì vậy, biện pháp để xử lý những công trình đã đi vào hoạt động, Nhà nước trưng thu toàn bộ số tiền DN bán được vào ngân sách để đầu tư cho các công trình công ích khác.
“Để xử lý tận gốc của vấn đề này cần phải tìm ra những cá nhân từ những nhiệm kỳ trước liên quan đến sai phạm đưa ra xử lý. Như vậy tính tư duy nhiệm kỳ sẽ không còn, những sai phạm về quy hoạch, xây dựng sẽ bị triệt tiêu và đi vào quy củ” – KTS Phạm Thanh Tùng nhìn nhận.
Các chuyên gia đều cho rằng, xử lý vi phạm TTXD không nên chỉ căn cứ vào số tiền phạt, cần phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi có công trình đứng chân. Cùng với chế tài dành cho tổ chức, cá nhân vi phạm cũng nên xây dựng chế tài nặng hơn đối với cán bộ, lãnh đạo phụ trách ở cơ quan quản lý Nhà nước. Những người kế nhiệm phải có trách nhiệm xử lý triệt để những công việc tồn đọng, tìm ra những mắt xích còn yếu của nhiệm kỳ trước để khắc phục và tìm ra những cá nhân sai phạm.

Để hạn chế việc xây dựng sai phép, sai quy hoạch thì cơ quan quản lý từ cấp phường, quận phải kiểm soát chặt chẽ từ thời điểm công trình đang thi công, xử lý ngay từ thời điểm mới manh nha, tránh trường hợp để công trình hoàn thiện mới xử lý sẽ gây ra nhiều khó khăn, tốn kém.

Chuyên gia về quy hoạch đô thị, thạc sỹ - KTS Trần Tuấn Anh