Vì sao Mỹ “bó tay” nhìn giá dầu tăng chạm đỉnh trong 7 năm?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu vẫn tăng mạnh từ đầu năm đến nay bất chấp việc Mỹ mở kho dự trữ dầu mỏ chiến lược dầu mỏ. Một số quan chức của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhận định rằng mức giá 100 USD/thùng dầu hoàn toàn có thể được thiết lập trong thời gian không xa.

Ngay sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố kế hoạch xuất 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược hồi tháng 11/2021 nhằm hạ giá bán lẻ xăng dầu trong nước, nhiều nhà phân tích nhận định rằng tác động của biện pháp này chỉ mang tính nhất thời.

Giá dầu vừa ghi nhận mức cao nhất trong 7 năm khi đóng cửa phiên ngày 18/1.
Giá dầu vừa ghi nhận mức cao nhất trong 7 năm khi đóng cửa phiên ngày 18/1.

Việc xuất dầu từ kho dự trữ chiến lược tự nó đã nói lên rằng đây là một nỗ lực tuyệt vọng của Mỹ nhằm hạ giá nhiên liệu trong nước trong bối cảnh OPEC cùng các nước đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, từ chối lời kêu gọi tăng mạnh nguồn cung của Washington. Cũng giống như kế hoạch tung dầu dự trữ của Mỹ, sự lây lan của biến thể Omicron cũng chỉ tác động trong ngắn hạn với thị trường dầu mỏ, không đủ sức chặn đà đi lên của giá “vàng đen”.

Trên thực tế, giá dầu chỉ đi xuống trong thời gian rất ngắn, sau đó tiếp tục  tăng mạnh từ đầu năm nay. Thậm chí, chốt phiên giao dịch ngày 18/1, giá dầu tăng lên mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây, do lo ngại về khả năng đứt gãy nguồn cung sau vụ phiến quân Houthi ở Yemen tấn công cơ sở dầu mỏ Mussafah thuộc Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Giá dầu Brent đã chạm mốc 87,54 USD/thùng, ghi nhận mức cao nhất kể từ ngày 39/10/2014 - thời điểm dầu Brent được giao dịch ở mức giá 87 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ cũng tăng lên mức 84,95 USD/thùng, tăng 1,13 USD so với phiên đóng cửa ngày 17/1, tương ứng với mức tăng 1,4%.

Theo các chuyên gia năng lượng, Mỹ có thể xuất thêm dầu từ kho dự trữ chiến lược, song hiệu quả cũng sẽ không cao, bởi giá dầu chịu ảnh hưởng từ các yếu tố toàn cầu, chứ không phải là các nhân tố cục bộ ở Mỹ, dù Mỹ là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn trên thế giới.

Nhiều chuyên gia dự đoán giá dầu trong năm 2022 có thể cán mốc trên 100 USD/thùng do thị trường thắt chặt trong khi nhu cầu tăng mạnh. "Nếu kinh tế Trung Quốc không giảm tốc mạnh, dịch Covid-19 được kiểm soát cùng với việc OPEC+ chỉ tăng nhẹ sản lượng, tôi dự đoán giá dầu Brent có thể vọt lên ngưỡng 100 USD/thùng ngay trong quý I/2022, thậm chí có thể sớm hơn", chuyên gia thị trường cấp cao Jeffrey Halley của OANDA vừa cảnh báo.

Theo tính toán của IEA, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu hiện thiếu hụt ít nhất là 1 triệu thùng/ngày so với nhu cầu. Khoảng cách này rất khó để san lấp, ngay cả khi ngành khai thác dầu đá phiến tại Mỹ bắt đầu tăng tốc trở lại. Có rất ít lựa chọn đối với Mỹ và giới chức Nhà Trắng, họ gần như không thể làm gì ngoài việc chờ đợi, dõi theo đà biến thiên của giá dầu trên thị trường.

Trong khi căng thẳng về cung-cầu trên thị trường dầu mỏ chưa thể được giải quyết sớm, nhiều nước thành viên OPEC+ đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng hạn ngạch do tình trạng đầu tư dưới chuẩn đối với ngành dầu khí trong vài năm trở lại đây. Trong cuộc họp chính sách hồi đầu tháng này, OPEC+ vẫn theo đuổi kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày theo từng tháng. Tuy nhiên, theo chiến lược gia hàng hóa Mike Tran của RBC Capital Markets, mức tăng của OPEC+ chỉ đạt 250.000 thùng/ngày. Nhiều thành viên của khối đang phải vật lộn để đạt được mức sản lượng tăng theo quota được giao, xuất phát từ các vấn đề kỹ thuật, như xung đột chính trị ở Nigeria hay Libya, hay tình trạng thiếu điện cho sản xuất, khai thác dầu thô.

Giới phân tích nhận định giá dầu sẽ tiếp tục đà tăng mạnh trong thời gian tới do tình trạng thiếu nguồn cung khó có thể được cải thiện. Ngoài yếu tố bất ổn ở Trung Đông, thời tiết giá lạnh tại các nước bắc bán cầu cũng làm tăng nhu cầu nhiên liệu để sưởi ấm. “Các nhà phân tích dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ vượt cung trong năm nay trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bắt đầu tăng tốc mở cửa  trở lại sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19” - chuyên gia Ash Glover của CMC Markets nhận định.

Ngân hàng Morgan Stanley dự đoán dầu Brent sẽ cán mốc 90 USD/thùng trong năm nay và đây cũng là dự báo của ngân hàng Goldman Sachs. Trong khi đó, ngân hàng Mỹ JP Morgan nhận định giá dầu sẽ vượt mốc 100 USD/thùng trong năm 2022, với lý do năng lực sản xuất của OPEC+ suy yếu.