Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao Quảng Ngãi chưa có lò hỏa táng?

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tỉnh Quảng Ngãi được duyệt, không có danh mục dự án đầu tư xây dựng lò hỏa táng.

Ngày 18/7, Sở Xây dựng Quảng Ngãi thông tin, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có cơ sở hỏa táng nào được đầu tư và đưa vào hoạt động.

Nguyên nhân chính là do vốn đầu tư lớn mà nguồn vốn đầu tư công của tỉnh hạn hẹp, nên trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tỉnh Quảng Ngãi được duyệt không có danh mục dự án đầu tư xây dựng lò hỏa táng.

Bên cạnh đó, theo phong tục tập quán, người dân trên địa bàn tỉnh vẫn muốn địa táng, nhà đầu tư (vốn khác) tính toán thấy ít hiệu quả nên chưa đầu tư cơ sở hỏa táng.

Thiếu đất, người dân mai táng người quá cố ở di tích Quốc gia núi Phú Thọ (xã Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi).
Thiếu đất, người dân mai táng người quá cố ở di tích Quốc gia núi Phú Thọ (xã Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi).

Trước đó, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 545/QĐ-UBND ngày 21/10/2016 về việc phê duyệt quy hoạch nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh Quảng Ngãi đầu tư xây dựng mới 6 cơ sở hỏa táng. Cụ thể, giai đoạn đến năm 2020 đầu tư 3 cơ sở hỏa táng gồm: Nhà hỏa táng tại Nghĩa trang sinh thái Hoa viên Vĩnh Hằng (xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa), phục vụ nhu cầu hỏa táng của TP Quảng Ngãi, các huyện Nghĩa Hành và huyện Tư Nghĩa; Nhà hỏa táng tại Nghĩa trang Phượng Hoàng, phục vụ các đô thị, dân cư trong Khu kinh tế Dung Quất và Cơ sở hỏa táng tại nghĩa trang núi Vòng Sỏi, phục vụ huyện đảo Lý Sơn.

Giai đoạn từ năm 2021-2030: Đầu tư xây dựng mới thêm 3 cơ sở hỏa táng gồm: Cơ sở hỏa táng đặt tại Công viên nghĩa trang tại xã Tịnh Ấn Đông (hoặc tại Công viên nghĩa trang xã Bình Hiệp), phục vụ nhu cầu hỏa táng khu vực phía bắc TP Quảng Ngãi, huyện Sơn Tịnh, huyện Bình Sơn; cơ sở hỏa táng đặt tại nghĩa trang sinh thái Hoa viên Vĩnh Hằng (xã Phổ Ninh), phục vụ nhu cầu hỏa táng của dân cư thị xã Đức Phổ; cơ sở hỏa táng tại nghĩa trang thị trấn Di Lăng, thuộc tổ dân phố Cà Đáo, phục vụ huyện Sơn Hà và các huyện phụ cận.

Trong diễn biến có liên quan, Sở Xây dựng cho rằng, báo cáo mới đây của UBND các huyện và TP chủ yếu đề nghị về nhu cầu cải táng mồ mả để thực hiện khi giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất sạch.

Mồ mả đang làm ảnh hưởng đến phát triển du lịch, ô nhiễm môi trường và chất lượng sống của người dân Lý Sơn.
Mồ mả đang làm ảnh hưởng đến phát triển du lịch, ô nhiễm môi trường và chất lượng sống của người dân Lý Sơn.

Nhu cầu về hỏa táng người mới mất chưa lớn (ngoại trừ huyện Lý Sơn đề nghị xây dựng nhà hỏa táng), trong đó, UBND TP Quảng Ngãi hướng đến năm 2030 đạt tỷ lệ hỏa táng 20%, một số huyện chưa có nhu cầu như: Ba Tơ, Minh Long, Mộ Đức.

Từ các báo cáo của các địa phương, Sở Xây dựng sẽ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Xác định xây dựng nhà hỏa táng là xu hướng tất yếu để tiết kiệm tài nguyên và thay thế phương pháp địa táng gây ảnh hưởng nguồn nước, Sở Xây dựng Quảng Ngãi kiến nghị UBND tỉnh trình bổ sung vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 đầu tư ít nhất 1 cơ sở hỏa táng. Đồng thời, tích cực thu hút đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở hỏa táng.

Chính quyền địa phương cấp huyện, xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân sử dụng hình thức hỏa táng, từng bước thực hiện hình thức hỏa táng - hình thức mai táng văn minh, tiết kiệm diện tích đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phù hợp với đời sống hiện đại.