Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việc đưa các lồng bè ra khỏi vịnh thuộc quần đảo Cát Bà cần có lộ trình cụ thể

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 1.231 dân đang làm nghề nuôi trồng thủy sản và sinh sống ngay tại các lồng bè trên vịnh thuộc quần đảo Cát Bà từ nhiều năm nay hiện chưa có phương án, đầu tư cụ thể để có thể di dời các hộ dân này theo chủ trương.

Vì chưa có quy hoạch và các hộ dân cũng không được giao mặt nước nên chính quyền chưa thu được tài chính với họ. Vì thế câu chuyện làm cách nào, thế nào để họ có nhà cửa công việc ổn định là bài toán khó.
 
Theo thống kê của Ban quản lý các vịnh tại Cát Bà hiện có tổng 441 cơ sở nuôi trồng thủy sản, 9.507 ô nuôi thủy hải sản, trong đó có 1598 ô nhà ở, khoảng 16.000 quả phao xốp, số lượng bè, giàn bè nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Cát Hải đã vượt quá số quy hoạch là 292 bè/5.241 ô lồng. Nên vị trí neo đậu phần lớn tự phát, chưa tuân thủ theo đúng quy định kỹ thuật, bảo vệ môi trường và quan trọng là chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép đã trực tiếp làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tự nhiên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.

Do quần đảo Cát Bà đang nằm trong diện tái đề cử đưa “vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà” với trung tâm Di sản Thế giới (UNESCO) vào danh mục dự kiến xây dựng Hồ sơ di sản Thiên nhiên Thế giới. Nên việc di dời, sắp xếp cơ sở nuôi trồng thủy sản, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên các vịnh ở Cát Bà là nhằm gắn bảo vệ môi trường, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, tính đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Nhưng việc di dời thế nào vừa bảo vệ được môi trường vừa giúp người dân ổn định cuộc sống là cả một quá trình vô cùng khó khăn. Nếu di dời hợp lý sẽ giúp cho người dân bảo đảm cuộc sống, tuân thủ theo quy hoạch, vị trí và tạo nguồn cung cấp một lượng thủy sản cho huyện, TP…

Được biết, việc di dời này mới chỉ là những dự định dự kiến vì trên thực tế chưa có cơ chế nào cụ thể cho vấn đề này. Mặc dù lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời chỉ còn lại khoảng 289 ô lồng nhưng đây là vấn đề khó khăn phức tạp dễ nảy sinh những tiêu cực bức xúc trong nhân dân. Cần có sự đảm bảo khách quan, công bằng đúng quy định của pháp luật. Bởi trên thực tế nghề nuôi cá lồng bè và nuôi nhuyễn thể mang lại thu nhập cao cho người dân và đã được nhà nước khuyến khích đầu tư phát triển. Nó mặc nhiên tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động, cung cấp lượng lớn thực phẩm thủy sản phục vụ người tiêu dùng. Trong khi đó sau nhiều năm các hộ này đã bỏ ra một lượng tiền, khối lượng tài sản lớn để đầu tư. Nhiều hộ dân đã phải cầm cố ngân hàng thế chấp để đầu tư. Vì vậy, để thực hiện lộ trình cắt giảm các cơ sở nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả thì nhất định cần có sự hỗ trợ từ cơ chế chính sách của nhà nước cho các đối tượng thuộc diện cắt giảm.

Ông Hoàng Trung Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết, đã có văn bản đề xuất trình cấp thẩm quyền cao hơn trong việc hỗ trợ thiệt hại chi phí đầu tư sản xuất cho những hộ dân làm nghề nuôi trồng thủy sản bằng lồng, giàn bè trên các vịnh thuộc Cát Bà khi buộc phải ngừng sản xuất. Hỗ trợ theo quy định của Nhà nước đối với những hộ chịu ảnh hưởng thiệt hại về sản lượng trong quá trình di dời, sắp xếp cơ sở nuôi trồng thủy sản theo vị trí quy hoạch…

Tuy nhiên, hiện nay mọi văn bản giấy tờ vẫn đang trong quá trình đề xuất, có một thực tế là nhiều lao động trực tiếp sẽ không có việc làm và thu nhập ổn định nếu tiến tới lộ tình cắt giảm số lượng nhà bè, ô lồng. Thậm chí có nhiều hộ dân sẽ phải di chuyển chỗ ở sau khi cắt giảm cơ sở nuôi trồng thủy sản vì bản thân họ koong có chỗ ở trên mặt đất hoặc phải mất một khoảng thời gian và chi phí để tìm chỗ ở mới./.