Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việc khó mà dễ

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã không còn tình trạng mỗi ngày điện thoại bị dội hàng chục tin nhắn rác, giờ đây người dùng đã cảm thấy yên tâm hơn vì không bị quấy nhiễu, làm phiền.

Đây chính là kết quả từ sự quyết tâm của cơ quan quản lý là Bộ TT&TT, tiếng nói mạnh mẽ từ các cơ quan truyền thông và phản ứng từ người dùng.
Tính đến thời điểm này đã có khoảng 19 triệu SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối bị thu hồi và sắp tới con số này sẽ vượt qua 20 triệu SIM, khi Bộ TT&TT yêu cầu các nhà mạng phải rà soát, thu hồi những SIM kích hoạt sẵn của năm 2015 đến hết 2016.
SIM rác có thời điểm trở thành vấn nạn nhức nhối, từ việc dùng SIM để quảng cáo cho đến việc lợi dụng để thực hiện những mục đích xấu, gây mất trật tự an ninh, bất ổn xã hội… Khi Bộ TT&TT quyết liệt yêu cầu các nhà mạng phải siết chặt quản lý các thuê bao di động trả trước, trảm SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối, không ít người băn khoăn, thậm chí nghi ngại rồi sẽ chỉ “đánh trống bỏ dùi”. Suốt một thời gian dài, các nhà mạng vì phát triển thuê bao, vì doanh thu và lợi nhuận mà lơ là kiểm soát thông tin, lỏng lẻo trong quy trình đăng ký thuê bao, thậm chí dung túng cho các đại lý kích hoạt SIM sai quy định… Giờ siết chặt và thu hồi hàng triệu SIM là chuyện không dễ dàng.
Nhưng với chủ trương quyết liệt từ cơ quan quản lý, sự lên tiếng của truyền thông và chính người dùng, các nhà mạng lớn nhỏ đã buộc phải “thức tỉnh”. Vì vậy, không chỉ cam kết sẽ thu hồi các SIM đã kích hoạt sẵn, mới đây 5 nhà mạng là Viettel, VinaPhone, MobiFone, Gtel, Vietnamobile còn ký thêm cam kết cắt hợp đồng đối với đại lý vi phạm đăng ký thuê bao. Theo cam kết này, nếu một đại lý vi phạm quy định về quản lý thuê bao thì sẽ bị các nhà mạng đồng loạt cắt hợp đồng. Không dừng lại ở việc cam kết mà thực tế đã có hàng nghìn tại khoản của không ít các đại lý SIM thẻ vi phạm đã bị cắt hợp đồng.
Rõ ràng, việc trấn áp vấn nạn tin nhắn rác, SIM rác không phải là việc quá khó, vấn đề chỉ là quyết tâm tới đâu và các nhà mạng có thực sự vào cuộc, thực sự vì lợi ích chung của xã hội. Tuy nhiên, cuộc chiến này mới chỉ có những kết quả bước đầu, nếu nhà mạng không kiên trì, nghiêm túc quản lý các đại lý SIM thẻ, tiếp tục mạnh tay cắt bỏ SIM rác thì những nỗ lực trước đó là vô nghĩa. Nhà nước đã cấp đầu số cho các DN viễn thông, vậy các DN có trách nhiệm quản lý không để tin rác, SIM rác tồn tại, nếu tiếp tục để xảy ra vấn nạn này thì phải thay người đứng đầu như tuyên bố mạnh mẽ của Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đưa ra tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2017 của Bộ TT&TT diễn ra trước đó.