Kinhtedothi - Hẳn ai cũng sẽ ngỡ ngàng khi “dạo chơi” trong những dòng văn chương của cuốn “Kim cương” mà NXB Hội Nhà văn mới giới thiệu. Ngỡ ngàng bởi tác giả của cuốn sách dày 348 trang ấy là nữ sinh lớp 11 Trần Thị Thùy Dương – cuốn truyện dài đầu tay của cô bé cầm bút viết văn từ năm 12 tuổi.
Thùy Dương đã tưởng tượng ra một câu chuyện và biết cách kể câu chuyện ấy bằng văn tự, với lối hành văn trong sáng. Chuyện kể về 4 viên kim cương cất giữ sức mạnh của những chiến binh huyền thoại bị thất lạc. Chúng giam giữ một phần mảnh linh hồn của kẻ mà những người sống trong thời đại của hắn đồn đại rằng đã gây ra nỗi ám ảnh kinh hoàng cho bao người. 4 chiến binh từng phong ấn hắn vào những viên kim cương giờ đã tái sinh thành 4 đứa trẻ với tính cách, thân phận và hoàn cảnh sống khác nhau. 4 đứa trẻ phải tìm thấy 4 viên kim cương ấy và phá hủy mảnh linh hồn cuối cùng trước khi lũ thợ săn và đám tay chân của hắn sờ tới những viên kim cương… Mới 15 tuổi, nhưng văn của Thùy Dương giàu hình ảnh, lời thoại gọn, cách dẫn truyện với tiết tấu nhanh, từng đoạn, từng cụm tình tiết xoắn xuýt nhau trong thế tiến triển như điện ảnh. Như nhà văn Triệu Xuân nói: “Nhiều chương trong “Kim cương” có chất kịch bản điện ảnh!”.
Thông điệp mà một học sinh trung học gửi tới bạn đọc qua cuốn truyện này không có gì mới, cũng không có tính phát hiện. Song trong bối cảnh văn hóa đọc đang trễ nải tới mức báo động, người trong giới viết lách, xuất bản đang kỳ công tìm mọi cách thúc đẩy văn hóa đọc trong giới trẻ trước cơn bão công nghệ thông tin và internet, thì tác phẩm này quả là đáng đọc và suy ngẫm.