KTĐT - Các số liệu mới nhất được Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) công bố ngày 7/4 cho thấy, viện trợ phát triển chính thức (ODA) trên toàn cầu đã đạt 129 tỷ USD trong năm 2010, mức cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, OECD lưu ý rằng, mặc dù ODA tăng tới mức kỷ lục nhưng các nước giàu vẫn chưa đạt mục tiêu đã thỏa thuận tại Hội nghị cấp cao các nước phát triển G8 năm 2005 tại thành phố Gleneagles của Anh, trong đó cam kết dành 0,7% tổng sản phẩm quốc nội (GNP) để viện trợ phát triển giúp các nước nghèo.
OECD cũng cảnh báo rằng, dòng viện trợ này sẽ tăng ngày càng chậm hơn trong ba năm tới do các nước giàu thực hiện chính sách kinh tế "thắt lưng buộc bụng" để khắc phục hậu quả cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu.
OECD cho biết, viện trợ ODA của 23 nước thành viên OECD trong năm 2010 (đạt 128,7 tỷ USD) đã tăng 6,5% so với năm 2009. Tuy nhiên, Ủy ban Viện trợ phát triển của OECD khẳng định, trong những năm tới, dòng ODA này sẽ không thể tăng với nhịp độ như năm 2010 mà chỉ tăng khoảng 2% mỗi năm từ năm 2011 đến 2013 so với mức tăng trung bình 8% trong ba năm qua.
Tại Hội nghị cấp cao G8 năm 2005, các nước thành viên G8 đã cam kết tăng hơn gấp đôi viện trợ ODA cho châu Phi, tuy nhiên hầu hết các nước tài trợ đã không thể đáp ứng được cam kết này.
OECD cảnh báo rằng, viện trợ ODA bổ sung cho châu Phi đều không đáp ứng được sự tăng dân số nhanh chóng của châu lục này./.