Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Viết kinh tế - đô thị nhưng không tách rời văn hóa

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân dịp 20 năm thành lập báo Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, một trong những độc giả lâu năm, đã có những chia sẻ về nội dung văn hóa được đăng tải trên các ấn phẩm của Báo.

TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh VOV
Ông nhìn nhận như thế nào về các vấn đề văn hóa trên báo Kinh tế & Đô thị 20 năm qua?

- Báo Kinh tế & Đô thị ra đời là một sáng kiến đáng hoan nghênh của những người làm báo và đặc biệt là của Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội trong bối cảnh Hà Nội đã có báo Hànộimới. Thời gian qua, báo Kinh tế & Đô thị không chỉ phản ánh những vấn đề kinh tế và đô thị của Thủ đô mà còn thể hiện rõ nét về văn hóa của một TP ngàn năm văn hiến. Điều này cho thấy, những người làm báo Kinh tế & Đô thị luôn ý thức được những vấn đề kinh tế, đô thị có mối quan hệ biện chứng không thể tách rời với văn hóa.
Trên báo đã có nhiều bài viết, chuyên mục về văn hóa tạo nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc. Trong đó phải kể tới những bài phản ánh những đổi mới, hội nhập văn hóa của Thủ đô qua góc nhìn ở không gian sáng tạo: Phố đi bộ Hồ Gươm, phố bích họa Phùng Hưng; nét đẹp, tài năng của con người Thủ đô thông qua các chương trình nghệ thuật, triển lãm tranh, ảnh của các nghệ sĩ. Bên cạnh đó, chuyên mục văn hóa trên báo Kinh tế & Đô thị cũng có những bài viết thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý các di tích văn hóa như tại chùa Trăm Gian (Chương Mỹ), Lương Xá (Ứng Hòa), Cổ Loa (Đông Anh), Vườn Chuối (Hoài Đức), hay những bất cập trong quản lý, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại các lễ hội, ca trù... 
Theo ông, ưu điểm của các bài báo trong chuyên mục văn hóa trên báo Kinh tế & Đô thị là gì?

- Rất nhiều thông tin về vấn đề di sản trên báo Kinh tế & Đô thị cho thấy tính phát hiện, và cách thức đeo bám sự kiện. Năm 2012, tôi biết đến vi phạm trong công tác tu bổ ở chùa Trăm Gian từ bài viết trên báo Kinh tế & Đô thị. Đọc bài báo, tôi thấy xót xa cho ngôi chùa cổ kính bị sư trụ trì tự ý hạ giải, làm phai mờ đi giá trị nguyên gốc của di sản. Nhưng cũng sau đó, trên báo Kinh tế & Đô thị không chỉ có các bài viết thông tin về sự kiện, mà còn có bài phân tích, tham vấn ý kiến chuyên gia tìm giải pháp cứu chùa. Và đặc biệt, chính nhờ sự lên tiếng mạnh mẽ, tôi đã thấy sự tham gia xử lý quyết liệt của UBND TP Hà Nội cho những vi phạm này.
Phố bích họa Phùng Hưng. Ảnh: Chiến Công
Ai làm sai đã bị kỷ luật, di sản cũng được quan tâm phục dựng theo đúng quy trình. Rồi sau đó, cũng bằng cách nắm bắt thông tin nhanh nhạy, những bài báo đầy tính thuyết phục từ ghi nhận sự việc, đánh giá sự việc ở các vụ việc: Sư trụ trì cho tượng ở chùa Một Cột đội nón chống dột, người dân làng cổ Đường Lâm viết đơn xin trả lại danh hiệu... khiến tôi mong muốn hàng ngày mở tờ báo để tìm kiếm và ghi nhận thông tin.

Ông ấn tượng nhất với chuyên mục, cách làm nào của lĩnh vực văn hóa trên báo Kinh tế & Đô thị?

- Trong năm 2018, tôi với tư cách là người làm văn hóa, nguyên Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, đặc biệt hoan nghênh tờ báo Kinh tế & Đô thị đã tổ chức một buổi tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý của T.Ư và Hà Nội về vấn đề “Tìm biện pháp giảm thiểu sai phạm trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản trên địa bàn TP Hà Nội”. Diễn đàn đã được thu nhận nhiều thông tin cũng những quan điểm và góc nhìn khác nhau về vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn Hà Nội. Việc làm đó rất sáng tạo, làm cho tờ báo gắn với hơi thở cuộc sống đương đại, có góc nhìn đa chiều về một sự vật, hiện tượng văn hóa trên địa bàn Thủ đô.
Đặc biệt, các bạn đã biết tích hợp các hình thức báo chí mới để đề cập, định hướng và tham vấn giải quyết một cách kịp thời vấn đề đang làm xôn xao dư luận. Tôi đánh giá cao cách làm của Kinh tế & Đô thị - một báo không chuyên ngành về văn hóa nhưng đã quan tâm nhiều đến văn hóa với tư cách là nền tảng tinh thần xã hội; là mục tiêu và động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Theo ông, thời gian tới báo Kinh tế & Đô thị cần phải làm gì để những thông tin về văn hóa đến bạn đọc kịp thời và hấp dẫn hơn?

- Theo tôi, báo Kinh tế & Đô thị đã có định hướng đúng đắn khi đề cập tới các vấn đề văn hóa. Tuy nhiên, nếu có thể, báo nên chọn các vấn đề văn hóa sao cho làm rõ được mối quan hệ hữu cơ giữa kinh tế và văn hóa, đô thị và văn hóa để làm rõ hơn vai trò, vị trí văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung, sự phát triển Thủ đô Hà Nội nói riêng. Chúng ta phải nhìn nhận vấn đề văn hóa ở đây là của một Thủ đô chứ không phải là văn hóa ở bất kỳ một địa phương nào khác.
Do vậy, các bài viết về văn hóa của Thủ đô Hà Nội phải có bản sắc của một TP chứa trong lòng gần 6.000 di sản văn hóa - tài nguyên văn hóa tinh tế, sâu sắc, hấp dẫn. Nói tới văn hóa là nói tới con người Thủ đô Hà Nội, trung tâm văn hóa lớn của cả nước, mảnh đất hội tụ khí thiêng sông núi, hội tụ nhân tài từ đời này qua đời khác của khắp mọi miền Tổ quốc. Mặt khác, trong sự phát triển văn hóa Thủ đô còn có những hạn chế, do vậy Kinh tế & Đô thị không nên ngần ngại nói những hạn chế một cách sâu sắc nhằm khắc phục những khuyết điểm đó. Qua đó, định hướng con người Thủ đô vừa thanh lịch, sáng tạo vừa có khả năng thích ứng với sự đổi thay đời sống xã hội; xây dựng kinh tế Hà Nội ngày càng vững mạnh.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập báo Kinh tế & Đô thị, tôi xin chúc tờ báo luôn luôn là người bạn đồng hành tin cậy của bạn đọc.

Xin cảm ơn ông!