Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam có thể đón một làn sóng FDI mới trong thập kỷ tới

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chiều 27/9, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Covid -19 và FDI: Tác động và triển vọng”. Bất chấp những lo ngại và khó khăn rất lớn gần đây khi dịch bệnh bùng phát, các ý kiến từ các doanh nghiệp (DN) FDI, đối tác quốc tế của Việt Nam đều khẳng định sự tin tưởng vào công cuộc phòng chống dịch và môi trường đầu tư tại Việt Nam.

FDI tăng 4,4% Việt Nam nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Tính đến ngày 20/9, tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần, mua phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay, thông điệp thu hút FDI là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp nâng cao thu nhập, việc làm cho người lao động. Đến nay khu vực FDI đã góp phần hỗ trợ tăng trưởng khá lớn cho các tỉnh Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang… đồng thời những tỉnh này cũng trở thành trung tâm thu hút FDI của cả nước.

Trong bối cảnh đại dịch và cùng với những đợt phong toả giãn cách, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương quan trọng, vừa đảm bảo chống dịch, vừa nhằm hỗ trợ SXKD. Như Nghị quyết 116 về hỗ trợ lao động, người lao động về 1 số Nghị quyết khác về giảm tiền điện, giá điện. Một số Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho DN, như Nghị quyết 52 về gia hạn nộp tiền thuế, thuê đất, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ DN nhỏ và vừa.  

 Ảnh minh hoạ. Nguồn VGP

Với Nghị định 80 có 10.000 DN tiếp cận được. Về triển khai thực hiện, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai thực hiện 2 tổ công tác với 2 Phó Thủ tướng trực tiếp điều hành. Không những vậy, đã tổ chức đối thoại với DN FDI đã tạo niềm tin cho DN làm ăn lâu dài tại Việt Nam…  Thứ trưởng KH&ĐT cho hay, Covid ảnh hưởng nặng nề, Chính phủ và các bộ, ngành đã luôn đồng hành, chia sẻ với khó khăn mà DN đang phải đối mặt. Chính phủ Việt Nam nhất quán tạo điều kiên thuận lợi cho DN FDI hoạt động, trong khó khăn, điều đó được khẳng định, chương trình đưa ra càng được khẳng định. “Thu hút FDI 9 tháng nói lên điều đó, 22,15 tỷ USD tăng so với cùng kỳ, đây là thông điệp rõ ràng về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, khẳng định Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt thời gian qua”- Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nói. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ, Việt Nam đã trải qua 3 đợt dịch, đang ở đợt dịch thứ 4. Vấn đề hiện nay an toàn phải đặt lên hàng đầu. “An toàn để sản xuất và sản xuất phải an toàn”, nên Bộ Y tế đưa ra giải pháp hết sức cụ thể. Trong đó, hướng dẫn địa phương thực hiện thật tốt các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời yêu cầu các địa phương thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế để có kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình, để DN có căn cứ sản xuất. Đồng thời có phương án xử lý đối với DN khi không may xuất hiện ca F0 thì không phong toả cả DN mà phong toả theo từng phân xưởng, rồi đưa F0, F1 đi cách ly, phun khử khuẩn sau 24 h …Hiện các địa phương rất linh hoạt trong phòng, chống dịch. Xây dựng kế hoạch phương án đảm bảo sản xuất trong công tác phòng, chống dịch. 

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói thêm: Nghị quyết 21 của CP, đưa đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng, chống dịch là người lao động trong DN nỗ lực đưa tỷ lệ tiêm đạt tỷ lệ cao, làm sao để DN trở lại trạng thái hoạt động trong tình hình mới. 

Cơ hội đầu tư tại Việt Nam rất lớn

Tại buổi toạ đàm, DN ghi nhận nỗ lực, đồng hành cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, các DN FDI cũng nhận định Việt Nam vẫn thu hút nhà đầu tư nước ngoài một cách tích cực bất chấp đại dịch. Các nhà đầu tư quan tâm đến Việt Nam và muốn duy trì hoạt động kinh doanh lâu dài tại đây.

Lãnh đạo Tập đoàn Nestlé khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam, bao gồm khoản đầu tư mới trị giá hơn 130 triệu USD trong 2 năm, đưa tổng đầu tư lên hơn 730 triệu USD. “Tại Việt Nam, với dân số gần 100 triệu người, là quốc gia đầy hứa hẹn để thu hút FDI. Việt Nam cũng đã thể hiện năng lực, tiềm năng trong quá trình hội nhập kinh tế, quốc tế, tham gia nhiều các FTA… “Một trong các yếu tố quan trọng để một DN thành công chính nhờ sự hỗ trợ đến từ chủ trương và hành động của Chính phủ kiến tạo và chính quyền địa phương khuyến khích DN phát triển. “Chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển của Chính phủ nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng đã tạo được niềm tin, khuyến khích DN không ngừng lớn mạnh”, đại diện Nestlé nhìn nhận .

Tương tự, đại diện Samsung cho biết mặc dù trong bối cảnh đại dịch COVID-19, trong 6 tháng đầu năm 2021, Samsung đạt được mục tiêu xuất khẩu, “nếu nhà máy sản xuất điện gia dụng của Samsung tại TPHCM sớm hoạt động bình thường trở lại thì dự kiến chúng tôi sẽ đạt vượt mục tiêu xuất khẩu của năm nay”. 

Cùng với sự tin tưởng vào Chính phủ, chúng tôi hàng năm chúng tôi vẫn mở rộng đầu tư. Thời gian tới, Samsung sẽ tiếp tục đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đa dạng hoá các hạng mục sản xuất như thiết bị 5G, máy tính xách tay. Nếu trước Samsung đầu tư chủ yếu vào dân truyền sản xuất thì tới đây sẽ đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới.

Nhìn chung các DN FDI đều đánh giá, cơ hội đầu tư tại Việt Nam, có nhiều thuận lợi, gần đây Covid-19 ảnh hưởng, nhưng về lâu dài Việt Nam vẫn là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài. Nếu Việt Nam vừa chống dịch hiệu quả, vừa tăng cường giải pháp lưu thông, tạo thuận lợi cho DN thì hút FDI sẽ tiếp tục được duy trì.

“Cũng như Việt Nam, hiện rất nhiều quốc gia trên thế giới đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Nhưng tôi tin rằng, các nhân tố khiến Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài như vị trí địa chiến lược quan trọng; khả năng hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam với các hiệp định thương mại song phương và đa phương với các quốc gia và các vùng địa lý khác, quy mô thị trường lớn thứ ba trong khu vực Đông Nam Á; lực lượng lao động trẻ và có học vấn  tốt… vẫn không thay đổi và còn nguyên giá trị” đại diện các DN FDI nói.

Điều mấu chốt hiện nay là phải tập trung vào chống dịch, đồng thời giảm thiệt hại của các chính sách đóng cửa và chống đứt gãy chuỗi sản xuất. Thời gian còn lại trong năm 2021 rất quan trọng để Việt Nam hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Điều tra hơn 500 tập đoàn, DN FDI tại Việt Nam, cộng đồng DN đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ. Hiện Chính phủ đã xây dựng lộ trình an toàn, 67% DN Châu Âu đánh giá tích cực về môi trường đầu tư tại VN. 47% DN cho biết tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, 67% DN cam kết mở rộng đầu tư kinh doanh và tin tưởng Việt Nam sẽ khống chế được bệnh… điều đó cho thấy, Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn và tiềm năng. (Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc)