Việt Nam có thể “nhảy cóc” trong tiến trình cách mạng công nghiệp 4.0

Tú Anh (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là khẳng định của ông Yutana Sanada - Phó Chủ tịch cấp cao của Nissan khu vực Châu Á - Thái Bình Dương bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN.

Trao đổi với báo chí trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018, Phó chủ tịch cấp cao của Nissan khu vực Châu Á - Thái Bình Dương khẳng định, trong 5 năm tới, ngành công nghiệp ô tô và tự động hóa của Việt Nam sẽ có diện mạo mới.

Ông Yutana Sanada - Phó Chủ tịch cấp cao của Nissan khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
Việt Nam sẽ bắt kịp ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản
Khoảng cách giữa Việt Nam và các nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển như Nhật Bản là rất lớn. Theo ông, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 liệu có thể giúp Việt Nam bắt kịp với những quốc gia đó?
Ông Yutana Sanada: Theo tôi, điều đó chắc chắn sẽ xảy ra. Dù GDP bình quân đầu người hay một vài chỉ số khác vẫn còn một chút khoảng cách để cải thiện và tăng tốc cơ giới hóa, nhưng tôi tin chắc rằng với mức tăng trưởng công nghiệp mỗi năm vào khoảng trung bình từ 6 - 7%, Việt Nam sẽ nhanh chóng đạt được điều này.
Ngoài ra, với các loại hình công nghệ khác, các loại kết nối mạng, khách hàng Việt Nam chính là trọng tâm. Họ đều có thể truy cập bằng điện thoại di động. Từ những điều này cho thấy, có lẽ Việt Nam có thể "nhảy cóc" trong tiến trình cách mạng công nghiệp so với thông thường.
Xin ông cho biết, cách mạng Công nghiệp 4.0 liệu có giúp các DN Việt Nam trở thành những đối thủ mạnh của các tập đoàn ô tô lớn khác trong ngành công nghiệp trên thế giới không? Và bằng cách nào?
Ông Yutana Sanada: Các DN trong ngành công nghiệp ô tô nước ngoài sẽ thiết lập ngày một nhiều các nhà máy lắp ráp lớn tại Việt Nam. Tôi không chắc về kế hoạch của đối tác của mình cũng như đối thủ cạnh tranh khác. Tuy nhiên, từ sự hợp tác với nhiều tên tuổi khác như Mazda hay Toyota, tôi cho rằng các kỹ thuật sản xuất ô tô mới nhất sẽ sớm được ra mắt tại thị trường Việt Nam. Vì vậy, tôi nghĩ nguồn lực, cũng như là nhân tài Việt Nam, hoàn toàn có khả năng dễ dàng thích nghi với các xu hướng và kỹ thuật hiện đại đó. Từ đó, công nghệ và công nghiệp hóa có thể phát triển hơn nữa tại Việt Nam.
Xe tự hành sẽ được sử dụng trong 10-15 năm tới
Ông đánh giá sao về tương lai của xe tự hành? Theo ông, khi nào loại phương tiện này sẽ chính thức được đưa vào sử dụng?
Đây là một câu hỏi rất thú vị. Tôi nghĩ điều này có thể đến nhanh hơn chúng ta nghĩ. Ví dụ, hệ thống phanh tự động khẩn cấp có thể coi là một phần của xe tự động vì người lái không cần phanh, nhưng xe vẫn sẽ tự động dừng lại. Đây là một phần của lái xe tự động và hệ thống Automotive Intelligence Cruising System của Nissan trên đường cao tốc.
Sự kết hợp của các công nghệ này có thể từng bước giúp người lái có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn khi đang lái xe, họ không cần phải luôn luôn đặt tay vào bánh lái. Từ đó, người lái cũng có thời gian để trải nghiệm các công nghệ khác. Tôi cho rằng đây là điểm khởi đầu cho cuộc cạnh tranh của các hãng xe ô tô trong ngành. Tôi hoàn toàn lạc quan về vấn đề thời gian.
Cụ thể, theo ông là trong bao lâu nữa?
Điều này còn phụ thuộc vào thị trường và bối cảnh chung, đối với xe tự động, các DN ô tô cần sự hỗ trợ từ chính phủ ở từng thị trường để đảm bảo yếu tố an toàn. Bởi, sự an toàn của người lái luôn là ưu tiên hàng đầu. Tôi không thể dự báo về thời gian cụ thể cho mỗi thị trường nhưng tầm 10 đến 15 năm nữa là hoàn toàn khả thi.
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của ngành tự động hóa Việt Nam và xe lái tự động?
Như tôi đã chia sẻ, tăng trưởng ngành công nghiệp của Việt Nam hiện tại là 6 - 7%. Nhưng từ kinh nghiệm của chúng tôi, có thể trong vòng 5 năm tới, sức mua trung bình sẽ tăng rất nhanh chóng. Tại một số thị trường hiện nay, sự tăng trưởng cũng rất nhanh nên các bạn có thể lạc quan về sức tăng trưởng trong tương lai. Trong 5 năm nữa, tôi nghĩ Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi đáng kể.
Xin cảm ơn ông!