Việt Nam cần tận dụng tác động từ COC
TS Lê Đình Tĩnh - Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao cho biết, ASEAN và ngay cả văn bản được thảo luận nhiều gần đây là Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) không phải là cơ chế giải quyết tranh chấp nhưng ASEAN và COC cung cấp những cơ chế qua đó hướng tới quản trị và giải quyết xung đột. “Chẳng hạn như nguyên tắc sử dụng các biện pháp hòa bình, nguyên tắc đối thoại, nguyên tắc không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực...”, ông Tĩnh dẫn chứng.
Ảnh chụp vệ tinh các hoạt động cải tạo trái phép của Trung Quốc ở đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. |
TS Lê Đình Tĩnh cũng cho rằng, với nguyên tắc mở, ASEAN có thể phối hợp với các đối tác bên ngoài khu vực và cung cấp các diễn đàn mở để các quốc gia xây dựng, trao đổi thể chế ở quy mô lớn hơn, có tác động rộng lớn hơn. Qua đó cho thấy, ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế cũng như quản trị các rủi ro ở khu vực.
TS Kentaro Nishimoto, Phó Giáo sư Khoa Luật, Đại học Tohoku (Nhật Bản) khẳng định, đã có biến chuyển sau hơn một năm kể từ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) cho vụ kiện của Philippines trên Biển Đông. Cho tới nay, các bên liên quan đã có ý thức hơn trong việc thông qua các kênh ngoại giao và thương lượng để giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, việc ASEAN và Trung Quốc thông qua khung dự thảo COC là một bước tiến tích cực.
Với “bàn đạp” là sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa nhằm thuyết phục Trung Quốc có trách nhiệm tuân thủ nguyên tắc quốc tế. Việc theo đuổi thương tôn pháp luật với các tranh chấp mang tầm quốc tế không đem lại hiệu quả ngắn hạn mà phải về dài hạn, TS Kentaro Nishimoto nói.
Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever khẳng định, chính phủ Anh sẽ tăng cường tham gia vào các hoạt động duy trì an ninh trên Biển Đông với tư cách là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Quan điểm của Anh là hợp tác lâu dài với Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh biển.
Tầm quan trọng của luật pháp quốc tế
Chỉ huy Ian Park - Cố vấn pháp lý về Hải quân, Bộ Quốc phòng Anh cho hay, 90% tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển. Vì vậy, bất kỳ nguy cơ xảy ra gián đoạn quá trình thông thương hàng hóa trên biển sẽ có tác động với mọi quốc gia trên thế giới.
Cố vấn pháp lý Hải quân Anh cũng chia sẻ, hiện nay, quốc đảo Sư tử phải đối mặt với cả thách thức truyền thống và phi truyền thống bao gồm nạn khủng bố, cướp biển, đánh bắt cá trái phép và xâm nhập trái phép vào lãnh hải các nước. Theo ông Ian Park, trong bối cảnh đó, khuôn khổ và các chế tài pháp lý chính là yếu tố có tầm quan trọng nhất để giải quyết các đe dọa an ninh.
Cũng tại hội thảo, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Kuio Umeda khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì trật tự trên biển dựa trên nguyên tắc quốc tế, theo đó sẽ giúp các bên liên quan thảo luận sâu sắc hơn để tăng cường vai trò luật pháp quốc tế, đem lại hòa bình thịnh vượng, tương lai tốt đẹp hơn cho khu vực. “Trật tự biển được chi phối không phải bằng mệnh lệnh mà bằng pháp luật, nếu muốn đạt được sự thịnh vượng chung của cộng đồng quốc tế”, Đại sứ Umeda nhấn mạnh.
Đặc biệt, TS Lê Đình Tĩnh - Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao cho rằng, trong việc giải quyết các thách thức truyền thống và phi truyền thống, các nước nhỏ càng cần phải dựa vào luật pháp quốc tế.