Đại sứ Israel tại Moscow Simona Halperin vừa qua trong một cuộc phỏng vấn với TASS đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Nga-Israel.
Đại sứ Halperin cũng khẳng định mối quan hệ mang tính tương hỗ, đồng thời cho biết bản thân có những mối liên hệ rất tốt ở cấp độ cá nhân và chuyên môn với phía Nga, hãng tin TASS đăng tải ngày 10/5.
Nhà ngoại giao này nhấn mạnh rằng đối thoại giữa Israel và Nga rất quan trọng, bao gồm cả những chủ đề mà các bên "hoàn toàn không nhất trí".
Đại sứ cũng bình luận về việc bị triệu tập tới Bộ Ngoại giao Nga ngay sau khi nhận vị trí, liên quan đến "những tuyên bố không thể chấp nhận được". Đồng thời cho biết thêm rằng nhiệm vụ của bà không chỉ là xác định những khác biệt hiện có mà còn phát triển mối quan hệ giữa hai nước nói chung. Theo Đại sứ, quá trình này diễn ra "khá nghiêm túc".
"Một trong những điều quý giá nhất mô tả mối quan hệ giữa Israel và Nga là chúng ta có thể thẳng thắn nói với nhau tất cả những gì cần nói. Và cá nhân tôi rất tin tưởng vào cuộc đối thoại trực tiếp, thẳng thắn,” Đại sứ Simona Halperin nhấn mạnh.
Khẳng định sự "quan hệ tích cực" của mình với nhiều bên tại Nga, thường là với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và các cơ quan ban ngành, Đại sứ cũng khẳng định, điều quan trọng là Nga hiểu lập trường của Israel và sẵn sàng đối thoại.
Thông điệp này được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 9/5 có tuyên bố cứng rắn, khẳng định sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho Israel nếu lực lượng quan đội nước này tấn công Rafah.
Theo FT, nếu tình hình hỗn loạn ở Gaza từ nay đến tháng 11 - thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, không thuyên giảm, ông Biden sẽ "mất điểm" trước đối thủ Donald Trump.
Điều đó cũng lý giải phản ứng cứng rắn của ông Biden trước việc Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tiến vào miền Đông Rafah, qua đó tác động tiêu cực tới triển vọng về thỏa thuận ngừng bắn với Hamas. Chiến thắng của ông Donald Trump, người vốn có quan điểm cứng rắn về vấn đề Ukraine, có khả năng cao dẫn đến kịch bản Kiev buộc phải thỏa hiệp trước các điều khoản của Nga trên bàn đàm phán hơn.
Do đó, Tổng thống Putin có thể giành lợi ích thụ động từ hậu quả của các hoạt động ở Gaza của IDF. "Lợi ích của nhà lãnh đạo Nga về vấn đề này tương đồng với lợi ích của ông Netanyahu", biên tập viên Roula Khalaf của FT nhận định.
Vẫn có khả năng đội nhóm của ông Biden, do Ngoại trưởng Antony Blinken dẫn đầu, cùng với Giám đốc CIA Bill Burns, sẽ nỗ lực tìm ra phương thức để khiến Israel và Hamas đồng ý ngừng bắn và thả một số con tin. Điều đó có thể thay đổi tình hình ở Israel.
Mặt khác, việc không đi đến được lệnh ngừng bắn có thể đồng nghĩa với việc có thêm hàng nghìn thường dân thiệt mạng ở Gaza, nạn đói có thể xảy ra do viện trợ nhân đạo bị hạn chế và xu hướng lan rộng các cuộc biểu tình phản đối xung đột Gaza tại Mỹ. Diễn biến này cũng sẽ dẫn đến sự chia rẽ ngày càng sâu rộng trong đảng Dân chủ. Tổng thống Biden sẽ buộc phải có động thái cứng rắn hơn nếu chiến tranh ở Gaza leo thang một lần nữa.