Việt Nam, Vân Nam tập trung phát triển đường sắt liên kết

Huy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên thảo luận, các chuyên gia nhấn mạnh việc xây dựng đường sắt nội địa mới tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển qua biên giới.

Theo các chuyên gia, đường sắt là chìa khóa thúc đẩy hành lang kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Quang cảnh phiên thảo luận chuyên đề về giao thông vận tải, logistics. Ảnh: Thanh Hải
Quang cảnh phiên thảo luận chuyên đề về giao thông vận tải, logistics. Ảnh: Thanh Hải

Nhận định trên được đưa ra tại phiên thảo luận chuyên đề về giao thông vận tải trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, TP Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ X.

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng phòng Dự báo và Tổ chức Vận tải, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, hạ tầng logistics trên hành lang Côn Minh (Vân Nam) – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng - Quảng Ninh đã được phát triển tương đối mạnh mẽ, đặc biệt là hạ tầng giao thông, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Ông Hoàng cho rằng vẫn còn nhiều dư địa để tỉnh Vân Nam và các địa phương Việt Nam khai thác lợi ích từ hệ thống đường sắt liên vùng, qua đó phát huy hơn nữa sự phát triển có vai trò trọng điểm có tính lan tỏa của các địa phương trên hành lang.

"Hai bên cần tiếp tục hoàn thiện nhiều kết cấu hạ tầng logistics trên hành lang theo các định hướng chiến lược, các quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch chuyên ngành và địa phương đã đặt ra,”ông Hoàng phát biểu.

Trong đó, ông Hoàng chú trọng tới sự phát triển, cải tạo và nâng cấp mạng lưới đường sắt liên thông giữa năm địa phương với vai trò chính trong hệ thống vận tải xuyên biên giới, xuyên vùng.

Theo ông Hoàng, cần phải xây mới tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh khổ 1.435mm vì đây là tuyến vận tải chiếm gần 50% khối lượng vận tải cả hành khách và hàng hóa của hệ thống đường sắt quốc gia.

Để bổ trợ cho tuyến đường sắt trên, ông Hoàng khuyến nghị phát triển các tuyến đầu mối phía Đông và phía Tây Hà Nội, cùng tuyến vào càng biển Lạch Huyện, Hải Phòng nhằm tối đa hóa lợi ích và ngành đường sắt mang lại.

Chia sẻ ý kiến của ông Hoàng, ông Phạm Văn Nghị, phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng đề xuất cải tạo để nâng tốc độ và khả năng khai thác hiệu quả tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng.

Thêm vào đó, ông Nghị cũng đề nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành tập trung nguồn lực nâng cấp tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh để phát huy lợi thế về đường sắt kết nối các tỉnh, thành phố trên hành lang kinh tế với hệ thống cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh.

Là tỉnh tiếp giáp với Trung Quốc, Lào Cai có vị trí quan trọng trong hành lang kinh tế Vân Nam – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, ông Đặng Văn Lương, phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lào Cai cho biết.

“Cần thúc đẩy xây dựng mới đường sắt 1.435mm Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và kết nối đường sắt giữa hai nước cho tương đồng khổ ray, giúp tăng nhanh thời gian lưu thông, giảm chi phí vận tải, đồng thời tạo thuận lợi trong việc nâng cao giá trị kim ngạch hai chiều, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước”, ông Lương phát biểu.

Theo ông Chu Dân Huân, Phó Giám đốc Ủy ban Cải cách và Phát triển tỉnh Vân Nam, chênh lệch chiều rộng giữa đường sắt khổ tiêu chuẩn đoạn Hà Khẩu – Lào Cai và đường sắt nội địa Việt Nam dẫn đến sự thiếu hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải, và làm tăng đáng kể chi phí hậu cần vận chuyển hàng hóa.

Ông Huân cho biết việc xây dựng tuyến đường sắt tiêu chuẩn Trung Quốc-Việt Nam sẽ thúc đẩy chiến lược “Hai hành lang, một vòng tròn kinh tế”, góp phần phát triển và thúc đẩy trao đổi kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam.

“Ủy ban Cải cách và Phát triển tỉnh Vân Nam sẽ tăng cường báo cáo với Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia và phối hợp với cơ quan điều phối quốc gia đẩy nhanh tiến độ rà soát quy hoạch đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng. Đồng thời, chúng tôi mong muốn Việt Nam tích cực báo cáo cấp quốc gia và hai bên sẽ thành lập Tổ công tác chung để cùng nhau đẩy nhanh các công việc sơ bộ của dự án,” ông Huân nói.

Ông Trần Nhạc, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Vân Nam thông tin rằng việc xây dựng đường sắt đang dần được tiến hành và việc xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Hà Khẩu - Việt Nam Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã được ghi vào "Tuyên bố chung" giữa hai nước và được đưa vào thư viện dự án trọng điểm.

Ông Nhạc mong rằng Việt Nam sẽ hoàn thành rà soát quy hoạch đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng trong thời gian sớm nhất, đạt được sự đồng thuận với Trung Quốc về kế hoạch cập bến tuyến Hà Khẩu Trung Quốc-Việt Nam Lào Cai, đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Trung Quốc - Việt Nam.