Xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về thuế
Thực hiện nội dung chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBND tỉnh và Tổng cục Thuế, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản triển khai, chỉ đạo thực hiện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quản lý thuế và thực hiện hóa đơn điện tử (HĐĐT) kết nối với máy tính tiền từ ngày 15/6/2024 đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực mua, bán, chế tác vàng bạc, đá quý trên địa bàn.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý thuế và phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm, rủi ro trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán, chế tác vàng bạc, đá quý, trong thời gian tới, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục triển khai một số nội dung:
Tăng cường công tác quản lý và kiểm tra nhằm phát hiện các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực mua, bán, chế tác vàng bạc, đá quý chưa thực hiện đúng quy định về kết nối, xuất HĐĐT khi bán hàng hoặc các yếu tố rủi ro khác như số lượng hóa đơn sử dụng, doanh thu thấp, có phát sinh doanh thu nhưng không xuất hóa đơn hoặc ngược lại... để xử lý hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Phân công cụ thể và giao trách nhiệm cho từng công chức quản lý các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh mua, bán, chế tác vàng bạc, đá quý. Thường xuyên đôn đốc kiểm tra việc quản lý thuế và giám sát việc thực hiện xuất hóa đơn, phát sinh doanh thu kinh doanh.
Bổ sung nhiệm vụ kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh có hoạt động chế tác vàng bạc, đá quý từ năm 2024, có các dấu hiệu rủi ro về thuế và hóa đơn.
Phối hợp với các cơ quan liên quan áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm khi phát hiện các vi phạm pháp luật về thuế hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý; kiên quyết rút, thu hồi ngay giấy phép kinh doanh đối với các doanh nghiệp, đơn vị không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử và xử lý theo quy định pháp luật.
Xem xét thực tế để có biện pháp quản lý phù hợp
Sáng 7/10, khảo sát tại thành phố Vĩnh Yên và thành phố Phúc Yên, phóng viên báo Kinh tế và Đô thị nhận thấy hoạt động kinh doanh vàng bạc tại thị trường tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra trong không khí trầm lắng, kém sôi động.
Tại các cửa hàng khảo sát, phóng viên nhận thấy chủ cơ sở đều thực hiện đầy đủ quy định niêm yết giá công khai. Giá vàng tại thời điểm khảo sát ở mức 8 triệu 250 nghìn đồng/chỉ. Thực trạng giao dịch trầm lắng đã diễn ra suốt nhiều tháng qua, kể từ sau khi một số chính sách “siết” quản lý được áp dụng.
Các chủ cửa hàng kinh doanh vàng bạc tại Vĩnh Phúc cho biết, hầu hết khách đến giao dịch tại các cửa hàng chỉ có nhu cầu mua nhẫn cưới, hoa tai… làm quà trong những dịp lễ quan trọng của đời người.
“Hiện tại, hầu như không còn khách tìm đến giao dịch bán hay mua với số lượng lớn, hoặc có nhu cầu mua các sản phẩm thời trang như trước đây. Hoạt động kinh doanh vàng bạc hiện đang dần đi vào quy củ, bởi cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp quản lý rất chặt chẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý thuế” - anh Nguyễn Văn Lam, chủ một cửa hàng kinh doanh vàng bạc tại thành phố Vĩnh Yên, cho biết.
Do tình hình giá vàng có sự biến đổi lên xuống rất nhanh trong một thời gian ngắn (có khi chỉ trong vài giờ đồng hồ), nhiều cơ sở kinh doanh gặp khó khăn, thậm chí trở tay không kịp.
“Người dân bây giờ xem vàng là một kênh đầu tư, do đó ở thời điểm giá vàng cao sẽ xảy ra hiện tượng người dân bán vàng ồ ạt – mà các chủ cửa hàng không thể từ chối mua. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh vàng nhỏ lẻ ở Vĩnh Phúc phải gom hàng rồi đem xuống Hà Nội nhập cho các đại lý lớn, nhưng có khi các đại lý lớn nại ra nhiều lý do từ chối mua, thậm chí lấy lý do bận việc để đóng cửa hàng mấy ngày đến khi qua thời điểm giá cao. Đây cũng là hiện tượng mà các cơ quan chức năng quản lý cần phải có biện pháp ngăn chặn”- anh Nguyễn Văn Lam nói thêm.
Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh vàng bạc tại Vĩnh Phúc cho biết, giá vàng chênh lệch từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng một chỉ (do mua vào cao, mà lượng bán ra luôn rất ít) cộng thêm tiền thuế, nên hầu như rất khó để có lãi. Hiện tại, vẫn còn tình trạng cửa hàng nộp thuế khoán theo tháng tùy doanh thu, còn nếu tính VAT thì càng thêm khó khăn.
Mặt khác, thực tế cũng cho thấy có nhiều người dân (thường là khách quen) đến cửa hàng không mua vàng mà chỉ chuyển khoản tiền (ví dụ 30 hay 50 triệu đồng) cho chủ cửa hàng để nhờ đổi tiền mặt, cửa hàng không thể từ chối giúp đỡ đối với những khách quen.
Nhưng đến cuối tháng, cơ quan quản lý thống kê kiểm tra tài khoản thì phát hiện giao dịch này và cho rằng đó là giao dịch ngoài sổ sách, rồi quy cho tội trốn thuế, bị phạt rất nặng, thậm chí còn đối diện với xử lý hình sự. Đây cũng là điều mà nhiều cơ sở kinh doanh vàng bạc mong muốn cơ quan chức năng xem xét để có phương án xử lý phù hợp hơn.