Chỉ là viết ra những điều mình thấy, nói lên những suy nghĩ, cảm nhận của bản thân về một sự vật, sự việc nào đó. Song, những chuyến tác nghiệp không chỉ đơn thuần là xách ba lô lên và đi để được trải nghiệm hay du lịch miễn phí như ngày sinh viên bạn ấy vẫn thường mộng mơ.
Có lẽ, hầu hết những ai không làm báo đều nghĩ rằng, làm phóng viên, nhà báo thật sung sướng khi được đi nhiều, quan hệ rộng, thoải mái khám phá thế giới, sau đó “múa chữ” trên bàn phím để lĩnh nhuận bút. Công việc thì giản đơn, vậy mà, ai cũng phải e dè cánh phóng viên, nhà báo. Ngay cả cảnh sát giao thông thấy thẻ nhà báo cũng chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng rồi thông cảm cho đi nhanh. DN, cơ quan Nhà nước thì phải chiều chuộng. Đến cả lãnh đạo, quan chức có khi chẳng sợ ai, chỉ ngại bị các nhà báo soi mói. Rồi thì, báo chí có thể nâng một người lên mây xanh nhưng cũng có thể khiến họ điêu đứng. Thế nên, người đời vẫn kháo nhau rằng, báo chí là “quyền lực thứ tư”. Tôi đã được nghe những lời ca tụng như vậy. Tuy nhiên, đó chỉ là những ánh hào quang bên ngoài, nội cảnh phía trong thì hoàn toàn ngược lại. Bởi, chỉ người trong nghề mới hiểu làm báo áp lực và nguy hiểm đến nhường nào.
Vâng, nếu bạn là một cây bút nghiệp dư, khi có ý tưởng, bạn thoải mái thời gian để thu thập và xử lý thông tin để cho ra một bài viết ưng ý nhất. Nhưng, nếu đã là phóng viên chuyên nghiệp, bạn có thể sẽ phải sản xuất vài bài một ngày hoặc trong thời gian cố định theo yêu cầu của Ban biên tập. Đó là chưa kể, những đề tài ấy bạn chưa có chút thông tin nào hoặc không phải lĩnh vực thường xuyên theo dõi.
Là phóng viên, bạn phải thường xuyên đi công tác xa nhà, trong khi con còn rất nhỏ. Ở hoàn cảnh của tôi, mặc dù, có bố mẹ chồng đỡ đần, cảm thông, nhưng việc để một “anh bạn” 2 tuổi ở nhà đi công tác vài ngày thực sự rất khó khăn. Rồi những khi đang nấu cơm, đang cho con ăn, ru con ngủ nhưng vẫn phải bỏ dở để làm tin nóng hay sửa hoặc hoàn thành bài viết cho kịp giờ xuất bản.
Là phóng viên chuyên nghiệp, bạn sẽ phải lao vào những “chảo lửa” và dũng cảm sẵn sàng đối mặt với những cơn giận dữ, thậm chí cả sự trả thù nguy hiểm đến tính mạng của những đối tượng bị đả kích trong bài báo. Bạn cũng phải tỉnh táo để không đánh mất mình với những viên đạn bọc đường, trong khi nỗi sợ viết sai, bị nhầm lẫn dẫn đến những hậu quả khôn lường luôn thường trực. Đôi lúc, phóng viên có thể lâm vào tình cảnh không thể gặp được chuyên gia để phỏng vấn trong khi thời hạn nộp bài sắp hết. Thậm chí, bạn có thể phải chầu chực cả ngày để chỉ nghe một thông báo ngắn gọn là chưa có thông tin gì mới hay tôi lại bận việc khác rồi. Nhưng có lẽ, đáng buồn nhất là lúc bạn hoàn thành một bài viết tâm đắc và tốn nhiều công sức nhưng không được đăng vì “nhạy cảm”, “phạm húy”…
Và còn rất nhiều những nhọc nhằn khác một phóng viên, nhà báo chuyên nghiệp phải trải qua trên hành trình tác nghiệp, công tác và làm nghề. Nhưng, tôi luôn tin, nếu có đam mê và nhiệt huyết, một nhà báo có thể vượt qua tất thảy những lực cản ấy để mang đến thật nhiều thông tin hay, hữu ích cho độc giả.
Hà Nội, 21/6/2017