Khối ngoại rút thêm 1,6 nghìn tỷ đồng
Sau khi giữ vững sắc xanh suốt nửa đầu phiên sáng, thị trường đã giảm điểm trở lại vào phiên chiều. Khối ngoại liên tục bán ròng mạnh trong các phiên gần đây khiến tâm lý thị trường trở nên tiêu cực.
Kết phiên, VN-Index giảm 9,09 điểm, tương đương 0,71% về 1.272,64 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt gần 29 nghìn tỷ đồng. HVN, LPB, EIB, GAS tiếp tục là các cổ phiếu tích cực kéo chỉ số lên, trong khi đó ngược lại các cổ phiếu vốn hóa lớn: VCB, HPG, CTG, BID... lại trở thành các cổ phiếu tiêu cực lấy đi của chỉ số chung từ 0,6 - 1,2 điểm.
Ngân hàng phân hóa khi có 16/28 cổ phiếu đóng cửa trong sắc đỏ, với mức giảm trung bình ngành là hơn 1%. Phần lớn các cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, BID, CTG đều kết phiên trong sắc đỏ. Trong khi đó ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa vẫn giao dịch tích cực như BVB tăng 6,6%, ABB tăng 4,8%, EIB tăng 4,8%, LPB tăng 3,8%, …
Cổ phiếu bất động sản cũng phân hóa với QCG giảm 3,8%, VRE, VHM, VIC, CEO, HAG, NVL, đều mất hơn 1% thị giá. Chiều ngược lại, LDG gần chạm giá trần, DXS xanh 6,2% khi đóng cửa.
Một số cổ phiếu trong nhóm dầu khí, điện đi ngược lại thị trường trong phiên hôm nay như TDG (+1,7%), PSH (+0,5%), GAS (+0,4%), GEG (+2,2%), HND (+1,3%), POW (+0,8%), TV2 (+0,2%),…
Về giao dịch của khối ngoại, khối này tiếp tục bán ròng hơn 1.627 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung tại các mã CTG (325 tỷ đồng), HPG (232 tỷ đồng), VND (188 tỷ đồng) và SSI (102 tỷ đồng). Ngược lại, sau chuỗi bán ròng, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng FPT 171 tỷ đồng.
Cổ phiếu Vietnam Airlines liên tục "bay cao"
Một tháng gần nhất, HVN tăng 64% lên mức 28.300 đồng/cp. Rộng hơn, diễn biến tăng giá đã được duy trì suốt 5 tháng qua, kéo thị giá tăng tới 166%. Đây cũng là nhịp vận động giá tích cực nhất của cổ phiếu hãng bay quốc gia kể từ giai đoạn tháng 9/2018 - 1/2019. Sau 5 tháng, vốn hóa doanh nghiệp tăng gần 38.800 tỷ đồng lên mức 62.900 tỷ.
Trong nhịp bứt tốc từ cuối tháng 3 tới nay, cổ phiếu Vietnam Airlines chứng kiến thanh khoản tăng đột biến hàng triệu đơn vị/phiên (sôi động nhất kể từ khi niêm yết). Vị thế giao dịch của các dòng tiền lớn chiếm chủ đạo.
Yếu tố tích cực hỗ trợ đà tăng giá đến từ sự cải thiện ở hoạt động kinh doanh. Sau khoản lỗ khủng gần 13.300 tỷ đồng năm 2021, Vietnam Airlines dần thu hẹp khoản lỗ trong 2 năm gần nhất.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2023, hãng hàng không ghi nhận tin vui kinh doanh khi đạt 92.231 tỷ đồng doanh thu - tăng hơn 21.400 tỷ đồng (+30%) so với năm 2022. Đây là mức doanh thu cao thứ 3 trong lịch sử hoạt động - chỉ thấp hơn giai đoạn 2018 - 2019 khi dịch Covid-19 xuất hiện. Tương tự, lợi nhuận gộp của Vietnam Airlines ở mức 3.885 tỷ đồng, đánh dấu lần đầu tiên sau 4 năm có lãi gộp trong cả năm tài chính.
Bước sang quý I/2024, hãng bay thậm chí bất ngờ báo lãi sau thuế hơn 4.440 tỷ đồng trong đó có khoản xóa nợ cho công ty con Pacific Airlines.