Bộ Y tế đã có văn bản chính thức đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam dừng triển khai chủ trương này vì cho rằng việc ra văn bản như vậy là trái thẩm quyền, nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh có Bảo hiểm y tế.
Công văn của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam ban hành ngày 19/5/2017, tức là đến nay đã được 3 tháng - khoảng thời gian đủ để có thể ghi nhận những phản ứng từ các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) Bảo hiểm y tế (BHYT) trong cả nước. Theo công văn của BHXH Việt Nam thì dự toán chi KCB BHYT sẽ giao cho từng địa phương, trên cơ sở dự tính số chi BHYT tối đa không vượt quá quỹ BHYT của tỉnh, TP được sử dụng trong năm. Những lý do được BHXH Việt Nam đưa ra như, việc sử dụng quỹ BHYT thời gian qua tăng rất vô lý, chi phí biệt dược gốc cũng quá lớn; Quỹ BHYT thiếu hụt do chi tăng cao trong khi mệnh giá mua BHYT không tăng...
Trên thực tế thì chuyện bội chi quỹ BHYT là có thật. Con số này trong năm 2016 là hơn 5.000 tỉ đồng. Vì vậy, lo vỡ quỹ BHYT cũng là lý do chính đáng. Tuy nhiên, dù bất cứ lý do gì, cũng cần phải tuân thủ quy định của pháp luật. Mà ở đây là Luật Bảo hiểm Y tế. BHXH Việt Nam đã ra văn bản trái thẩm quyền. Không chỉ cứng nhắc về tỉ lệ chi không vượt quá số tiền BHYT thu được, mà số kinh phí thực giao cho KCB BHYT năm nay cũng thấp hơn năm 2016. Trong khi, việc tăng phí nhiều dịch vụ y tế đang làm nguồn chi này tăng lên.
Thực tế cho thấy, tại nhiều bệnh viện, mới qua nửa đầu năm nay, kinh phí BHYT đã chi trên 60%. Các bệnh viện cho rằng vượt chi quỹ BHYT là do bệnh nhân đến bệnh viện ngày càng tăng, nhất là các bệnh viện đầu ngành về ung bướu, tim mạch, thần kinh… Ngoài ra, từ tháng 10 tới, giá viện phí tăng, tất yếu chi KCB BHYT cũng sẽ tăng. Đó là chưa kể, thuốc và kỹ thuật điều trị cũng đổi mới liên tục theo hướng có lợi cho người bệnh, nên bệnh viện phải đưa vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân, sẽ dẫn đến vượt quỹ. Hơn nữa, đã trị bệnh cứu người thì dù trong trường hợp nào cũng phải làm đúng quy định chuyên môn, đúng phác đồ. Vì vậy, nếu có lạm dụng dịch vụ làm số tiền thực chi cho bệnh nhân BHYT tăng lên thì BHXH hoàn toàn có quyền xuất toán như đã từng làm đối với các tỉnh bội chi BHYT trong năm 2016, hoặc cùng bệnh viện thảo luận để tìm hướng giải quyết trên tinh thần, tất cả vì quyền lợi người bệnh.
Đưa ra nhiều lý do, BHXH Việt Nam đã chọn cách bảo đảm an toàn cho mình, mà quên rằng, để xảy ra tình trạng này ngoài yếu tố khách quan từ việc thay đổi chính sách, tình trạng trục lợi BHYT ở các bệnh viện khó kiểm soát thì trách nhiệm của BHXH Việt Nam trong vấn đề này cũng rất lớn, cần phải chấn chỉnh. Đó là phải đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu về công nghệ trong việc lưu trữ và kết nối dữ liệu hồ sơ của bệnh nhân; Liên thông kết quả khám cận lâm sàng; Xây dựng các gói dịch vụ y tế cơ bản để các đơn vị chủ động trong KCB; có cơ quan giám định BHYT độc lập…
Một chính sách an sinh đầy ý nghĩa nhân văn, nhân đạo, quỹ BHYT cần có sự chia sẻ ở các vùng miền, các đối tượng chứ không nên áp đặt bài toán thu - chi xuống địa phương hay các cơ sở y tế như cách mà BHXH Việt Nam đang làm.