Vỡ nợ - Mỹ không còn nhiều thời gian

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bức thư thứ 2 gửi Quốc hội hôm 15/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen xác nhận cơ quan này khó có thể thanh toán tất cả hóa đơn của Chính phủ kể từ đầu tháng 6 tới, nguy cơ dẫn đến vụ vỡ nợ đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: AP
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: AP

“Việc Quốc hội không nâng trần nợ công sẽ gây khó khăn lớn cho các gia đình, làm tổn hại vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, đồng thời đặt ra những nghi vấn về khả năng bảo vệ an ninh quốc gia của chúng ta” - bà Yellen khẳng định trong bức thư hôm 15/5, lặp lại cảnh báo mà bà từng gửi đến Quốc hội vào ngày 1/5.

Thông điệp được đưa ra 1 ngày trước khi Tổng thống Joe Biden dự kiến gặp Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy để tiếp tục vòng đàm phán về trần nợ - hiện đang ở mức 31.400 tỷ USD. Trong bức thư hôm 15/5, bà Yellen kêu gọi các bên phải hành động càng sớm càng tốt.

“Từ những kinh nghiệm trong quá khứ, chúng ta hiểu rằng việc chờ đợi đến phút cuối để đình chỉ hoặc tăng trần nợ công có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, tăng chi phí vay ngắn hạn với người nộp thuế và tác động tiêu cực đến xếp hạng tín dụng của Mỹ” - vị Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trên thực tế, việc bế tắc về trần nợ hồi năm 2011 từng khiến Chính phủ Mỹ bị hạ mức tín nhiệm và giảm tự tin của doanh nghiệp. New York Times trích dẫn một phân tích của Nhà Trắng cho thấy, nếu kịch bản vỡ nợ xảy ra lúc này, nước Mỹ sẽ làm mất 500.000 việc làm, tệ hơn là có thể “thổi bay” 8,3 triệu việc làm về lâu dài, tương đương cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.

Bất đồng trong vấn đề trần nợ tại Mỹ đã diễn ra nhiều lần giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, liên quan đến việc huy động tiền để chi trả cho các cam kết chi tiêu mà Quốc hội thông qua. Lần này, đảng Cộng hòa cho rằng Tổng thống đương nhiệm cần cắt giảm mạnh ngân sách để nhận được sự ủng hộ cho việc nâng trần nợ, trong khi ông Biden vẫn từ chối nhượng bộ.

Theo nguồn tin của CNN, Nhà Trắng hướng đến việc đàm phán tăng trần nợ ở mức đủ để hoạt động hơn 1 năm, nhằm tránh phải đàm phán tiếp trong năm sau. Đồng thời, chính quyền Biden chỉ đồng ý giới hạn chi tiêu trong giai đoạn ngắn.

Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao trong ngành tài chính Mỹ cho biết, ngành này cũng từng chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng tương tự vào tháng 9/2021. Tuy nhiên với tình hình hiện tại, thời gian để đạt được thỏa hiệp là tương đối ngắn, khiến các chủ ngân hàng lo lắng. Như Giám đốc điều hành JPMorgan Chase & CO Jamie Dimon chia sẻ, hiện tuần nào ngân hàng này cũng phải họp để thảo luận về các tác động có thể xảy ra.

Nhìn chung, các ngân hàng, đơn vị môi giới và nền tảng giao dịch đang chuẩn bị cho một sự gián đoạn đối với thị trường kho bạc, cũng như biến động rộng hơn, bất kể kịch bản nào diễn ra.

Khả năng cao nhất có thể là kho bạc Mỹ sẽ kéo dài thời gian từng ngày một để trả lại tiền cho các trái chủ, bằng cách thông báo trước một khoản thanh toán và cam kết sẽ luân chuyển các chứng khoán đáo hạn đó. Điều này cho phép thị trường tiếp tục hoạt động nhưng tiền lãi có thể sẽ không bị tính gộp vào khoản thanh toán bị trì hoãn.

Trong khi đó, kịch bản phức tạp nhất là kho bạc không thanh toán được cả tiền gốc và lãi, cũng như không gia hạn thời gian đáo hạn. Trái phiếu chưa thanh toán không thể giao dịch và sẽ không được chuyển nhượng trên Dịch vụ Chứng khoán Fedwire.

Phát biểu với báo giới cuối tuần qua, Giám đốc truyền thông của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Julie Kozack đặc biệt cảnh báo về nguy cơ chi phí vay mượn tăng, bất ổn tài chính và những tác động trên diện rộng nếu Mỹ vỡ nợ, cho thấy một viễn cảnh tồi tệ không chỉ đối với nền kinh tế Mỹ mà còn với toàn cầu. Bà Kozack nhấn mạnh rằng thế giới đã hứng chịu nhiều cú sốc trong những năm qua, càng cần tránh những tác động nghiêm trọng này.