70 năm giải phóng Thủ đô

Tuần quyết định khả năng vỡ nợ của nước Mỹ

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (9/5), Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Thượng - Hạ viện của cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ gặp nhau tại Nhà Trắng, để thảo luận về nguy cơ khủng hoảng kinh tế do chính họ tạo ra.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. Ảnh: Reuters

Nhìn chung, tuần này được cho là vô cùng quan trọng đối với các cuộc đàm phán về việc tăng trần nợ, qua đó quyết định khả năng Mỹ có thể vỡ nợ ngay sau ngày 1/6 nếu giới hạn này không được Quốc hội thông qua trước thời điểm đó.

Theo ước tính chính thức, bắt đầu từ tháng tới, kho bạc liên bang sẽ không thể vay thêm tiền, nghĩa là Chính phủ Washington cạn quỹ tài chính dùng để chi trả mọi thứ - từ các khoản thanh toán nợ hiện có, đến tiền lương của nhân viên Chính phủ hay các khoản hưu trí cho người già.

Quốc hội Mỹ có thể bỏ phiếu để nâng giới hạn nợ vào bất kỳ lúc nào, nhưng các đảng viên Cộng hòa trong cơ quan lập pháp hiện chỉ đồng ý làm như vậy để đổi lấy các hạn chế chi tiêu của chính quyền Biden và các đảng viên Dân chủ. Tuy nhiên, Tổng thống và các đồng minh của ông đến nay vẫn từ chối nhượng bộ.

Bản thân cuộc gặp mặt ngày 9/5 đã phần nào là một sự "xuống nước" của Tổng thống Biden, bởi vì cho đến nay ông vẫn từ chối thảo luận về các đề xuất chi tiêu của Đảng Cộng hòa. Trước đó, ông từng nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán về chính sách phải được tiến hành riêng biệt với việc giải quyết trần nợ.

Quốc gia càng tiến gần đến bờ vực giới hạn nợ, thị trường tài chính toàn cầu và Mỹ nói riêng càng trở nên bất ổn hơn. Hậu quả chính trị của kịch bản vỡ nợ gần như chia đều: BBC dẫn nguồn một khảo sát mới đây cho thấy, trong khi 1/3 người dân được hỏi đổ lỗi cho ông Biden nếu Mỹ vỡ nợ, 1/3 đổ lỗi cho đảng Cộng sản hòa và 1/3 còn lại là không chắc chắn.

Nhưng xét cho cùng, nếu nền kinh tế bị hủy hoại do mâu thuẫn chính trị nói trên, đảng Dân chủ - với tư cách là những người đang nắm quyền và phải chịu trách nhiệm - sẽ có nhiều thứ để mất hơn. Họ sẽ càng hứng chịu chỉ trích nếu tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thị trường chứng khoán lao dốc.

Điều này thực sự tồi tệ, đặc biệt là khi Tổng thống Biden và các đảng viên Dân chủ trong Quốc hội đang tìm cách tái đắc cử vào năm tới. Một số đảng viên Dân chủ tại Quốc hội đang kêu gọi ông Biden nhượng bộ đảng Cộng hòa. 

Vậy các đảng viên Cộng hòa thực sự muốn gì?

Trước hết, đảng Cộng hòa muốn lùi việc mở rộng các chương trình tài trợ liên bang do ông Biden và đảng Dân chủ đề xuất. Họ muốn hạn chế chế độ chi tiêu "hào sảng" này của liên bang, hoặc ít nhất là "chế độ chi tiêu cho các ưu tiên của đảng Dân chủ".

Giống như đảng Dân chủ, đảng Cộng hòa cũng đang chơi một trò chơi nguy hiểm, bởi nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế có thể làm cho đảng của họ trở thành mục tiêu bị chỉ trích, và đi kèm với nó là tác động tiêu cực tới triển vọng bầu cử tới đây.

Liên quan đến vần đề này, đảng Cộng hòa được cho cũng khó an tâm trong tình hình này, bởi tỷ lệ chênh lệch số ghế của đảng này tại Hạ viện là cực kỳ sít sao. Do đó, chỉ một sự thay đổi nhỏ trong tâm trạng của cử tri cũng có thể đưa đảng này trở lại phe thiểu số vào năm tới.