Vốn vay chính sách, trợ lực cho người dân thoát nghèo

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội, nhiều hộ gia đình nghèo, cận nghèo, khó khăn ở xã Hành Nhân được “tiếp sức” để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao thu nhập.

Hành Nhân nằm ở phía tây của huyện Nghĩa Hành, cách trung tâm huyện khoảng 5km. Phía tây giáp xã Long Sơn (huyện Minh Long), phía bắc giáp xã Hành Dũng, phía nam giáp xã Hành Thiện, phía đông giáp xã Hành Minh. 

Đây là xã thuần nông với đại đa sống người dân sinh sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, chính quyền địa phương tích cực tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện cuộc sống.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại thêm bị tật ở chân nên không thể làm việc nặng nên ông Trịnh Công Lý (55 tuổi, thôn Bình Thành, xã Hành Nhân, tỉnh Quảng Ngãi) mãi thiếu trước hụt sau. 

Từ vốn vay ngân hàng chính sách, ông Nguyễn Công Lý dần cải cải thiện cuộc sống
Từ vốn vay ngân hàng chính sách, ông Nguyễn Công Lý dần cải cải thiện cuộc sống

Quyết tâm cải thiện kinh tế gia đình, ông vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay cận nghèo theo ngân hàng chính sách xã hội theo diện hộ cận nghèo để đầu tư nuôi bò sinh sản. Hiện tại trong chuồng của gia đình đang có 4 con bò cái, bình quân mỗi năm thu nhập từ việc bán nghé con khoảng hơn 30 triệu đồng.

“Vay vốn theo chương trình tín dụng hộ cận nghèo nên được hưởng ưu đãi, lãi suất thấp. Mình mua bò rồi gầy thêm ra. Cộng thêm đó là duy trì nghề trồng dâu nuôi tằm để kiếm thêm thu nhập”, ông Lý chia sẻ.

Thấy việc vay vốn mang lại hiệu quả, kinh tế dần cải thiện, gia đình ông Lý dự tính sẽ vay thêm tiền theo chương trình giải quyết việc làm để mở rộng thêm quy mô nuôi tằm.

“Nuôi tằm là nghề truyền thống của gia đình, trước kia nuôi quy mô nhỏ, giờ muốn khá lên thì phải đầu tư mở rộng thêm. Nuôi tằm tuy cực nhưng từ ngày nuôi đến ngày bán rất nhanh, một năm có thể nuôi được cả chục đợt”, ông Lý nói thêm.

Ông Lê Chiến (thôn Đông Trúc Lâm, xã Hành Nhân) vay vốn 50 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm để phát triển trồng cây ăn quả. Thời gian vay là 5 năm (60 tháng).

Máy móc phục vụ sản xuất bánh tráng của hộ gia đình Lê Chiến
Máy móc phục vụ sản xuất bánh tráng của hộ gia đình Lê Chiến

Từ nguồn vốn vay, ông đầu tư cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả, phát triển kinh tế. Cuộc sống dần ổn định hơn, ông đầu tư thêm máy móc để sản xuất bánh tráng, tăng thêm nguồn thu cho gia đình. Việc trả nợ định kỳ cũng được ông Chiến thực hiện nghiêm túc. Ông dự kiến sắp tới, khi trả hết vốn vay đợt trước, ông tiếp tục vay thêm để mở rộng sản xuất, trồng trọt.

Đến cuối tháng 11/2023, lũy kế dư nợ từ ngân hàng chính sách xã hội của xã Hành Nhân là hơn 25 tỷ đồng. Trong đó, giữa tháng 11/2023, xã Hành Nhân phối hợp giải ngân hơn 1,6 tỷ đồng theo các chương trình giải quyết việc làm, hộ nghèo, hộ cận nghèo, riêng nông dân phối hợp giải ngân 400 triệu đồng.

Chương trình tín dụng ưu đãi đã trợ lực cho người dân Hành Nhân phát triển sản xuất.
Chương trình tín dụng ưu đãi đã trợ lực cho người dân Hành Nhân phát triển sản xuất.

Theo Chủ tịch Hội nông dân xã Hành Nhân Nguyễn Hòa Phương, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, người dân có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống gia đình, góp phần tích cực vào chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của địa phương.

“Các chương trình tín dụng ưu đãi trợ lực rất lớn cho người dân phát triển kinh tế. Thời gian qua, hội quản lý tốt nguồn vốn vay, hiện tại không có nợ xấu. Sắp tới, hội tích cực phối hợp tạo điều kiện cho hội viên nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội, đồng thời nghiên cứu, triển khai các mô hình phát triển chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với địa phương”, ông Phương chia sẻ.