Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ án GPMB ở khu Công nghệ cao Hòa Lạc: Gây thiệt hại hơn 300 triệu và bản án tổng cộng 55 năm tù

Kim Thạch
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ án sai phạm trong GPMB khu Công nghệ cao Hòa Lạc được xác định gây thiệt hại hơn 300 triệu đồng, các bị cáo đã phải chịu mức án tổng cộng 55 năm tù và thời gian tạm giam khéo dài năm năm.

Trong diễn biến vụ án, có tình tiết được đưa ra là: Mức án của các bị cáo có thể được giảm nhẹ nếu như UBND huyện Thạch Thất ra quyết định điều chỉnh lại các phương án đền bù GPMB. 
 
Các bị cáo chịu mức án tổng cộng 55 năm tù 
Liên quan đến vụ án nhóm cựu cán bộ xã, huyện ở Thạch Thất (Hà Nội) trong vụ án giải phóng mặt bằng Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội), mới đây, tập thể thân nhân của các bị cáo: Đỗ Văn Dũng (SN 1968) - cựu Phó chủ tịch UBND xã Hạ Bằng; Nguyễn Thành Huyên (SN 1981) - cựu cán bộ Ban GPMB huyện Thạch Thất; Nguyễn Đức Tâm (SN 1970) - cựu cán bộ địa chính xã Hạ Bằng; Phùng Hòa Bình (SN 1975) - cựu Trưởng thôn 7; Nguyễn Xuân Tuyết (SN 1954) - nguyên Chủ tịch UBND xã Hạ Bằng; Vương Thị Hoa (SN 1982) - cựu cán bộ Ban GPMB huyện Thạch Thất; Nguyễn Văn Xuyến (SN 1965) - cựu Phó Chủ tịch HĐND xã Hạ Bằng và Nguyễn Văn Lý (SN 1967), trú ở thôn 6 xã Thạch Hòa cho rằng bản án sơ thẩm mà TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt các bị cáo trên ở phiên xử ngày 25/11/2016 với hai tội danh “nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là quá nặng.
Trong đơn, tập thể thân nhân các bị cáo nêu, trước đó lý do cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt tạm giam một số người trên được cho là nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tổng số tiền gây thất thoát cho ngân sách nhà nước được cơ quan cảnh sát điều tra đưa ra là 3.065.689.205 VNĐ.
Theo biên bản họp liên ngành ngày  22/10/2015, thành phần gồm  Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố Hà Nội, Sở Tài Chính Hà Nội, Sở Tài Nguyên -Môi trường Hà Nội, Sở Tư pháp Hà Nội, Viện Kiểm sát Nhân Dân TP Hà Nội , Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, UBND huyện Thạch Thất, đã thống nhất đưa ra kết luận: Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ về tài sản và các khoản hỗ trợ không đúng chính sách cho các trường hợp nêu trên làm thất thoát ngân sách của nhà nước là 388.058.260 đồng chứ không phải là 3.065.689. 205 đồng như kết luật của cơ quan cảnh sát điều tra . Mặt khác khi thu hồi đất nếu không bồi thường cho hộ này thì phải bồi thường cho hộ khác, tuy việc bồi thường cho một số hộ là sai chủ thể nhưng chỉ thiệt hại một số khoản như báo cáo ở trên. 
Các bị cáo đồng loạt kêu oan và cho rằng, theo số liệu thực tế và qua các văn bản hướng dẫn đền bù giải phóng mặt bằng do Chính phủ ban hành, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành thì con số gây thất thoát cho Nhà nước chỉ ở mức 388.058.260 đồng. 
 UBND TP Hà Nội sau đó đã ban hành văn bản chỉ đạo huyện Thạch Thất kiểm tra rà soát hồ sơ đền bù để ra quyết định điều chỉnh lại các phương án đền bù giải phóng mặt bằng. Kết quả phê duyệt phương án điều chỉnh này của UBND huyện Thạch Thất sẽ được cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) chuyển theo hồ sơ vụ án và cũng là căn cứ để tòa án xem xét việc kháng cáo của các bị cáo lần xét xử lần sau, đồng thời cũng giải quyết dứt điểm đề nghị của cơ quan cảnh sát điều tra. 
Liệu có ra quyết định điều chỉnh phương án đền bù GPMB?
Luật sư Phạm Văn Cường bào chữa cho các bị cáo Đỗ Văn Dũng, Phùng Hòa Bình, Nguyễn Thành Huyên, Nguyễn Xuân Tuyết, Vương Thị Hoa cho rằng: Hành vị của các bị cáo không cấu thành  “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, các bị cáo không vụ lợi; các bị cáo chỉ có hành vi lập hồ sơ chi trả sai đối tượng, do sức ép bàn giao mặt bằng, nhất thời phạm tội.  
Nhưng với  bản án số 428/2016/HSST, Tòa án ND TP Hà Nội đã tuyên án: Đỗ Văn Dũng 14 năm tù, Nguyễn Thành Huyên 15 năm tù, Phùng Hòa Bình 7 năm tù, Nguyễn Đức Tâm 7 năm tù, Nguyễn Xuân Tuyết 4 năm tù, Vương Thị Hoa 5 năm tù, Nguyễn Văn Xuyến 3 năm tù. Tổng cộng hình phạt của các bị cáo là 55 năm tù, năm tù cộng với thời gian tạm giam rất lâu trước đó ( Đỗ Văn Dũng, Nguyễn Thành Huyên, Phùng Hòa Bình bị bắt tạm giam 4 năm 7 tháng (Từ tháng 9/2011 đến Tháng 4/2016). Sau khi được tại ngoại, ngày 11/10/2018 bị bắt lại). 
Thân nhân các bị cáo bày tỏ: Thời gian tạm giam các bị cáo đã quá lâu. Tính đến nay, có bị cáo đã bị tạm giam đến hơn 5 năm, gây rất nhiều vất vả, đau thương cho bản thân các bị cáo cũng như toàn bộ các gia đình. Mặt khác, kết quả phiên tòa sơ thẩm lại tuyên các bị cáo mức án quá nặng, vượt xa với bản chất các tội danh mà các bị cáo đã mắc phải”.
Mấu chốt vấn đề hiện nay là UBND huyện Thạch Thất cần rà soát hồ sơ đền bù để ra quyết định điều chỉnh lại các phương án đền bù giải phóng mặt bằng. Quyết định này sẽ là căn cứ để tòa án xem xét việc kháng cáo của các bị cáo lần xét xử tới đây. Nhưng cho đến nay, mặc dù UBND thành phố Hà Nội đã nhiều lần có văn bản đôn đốc nhưng UBND huyện Thách Thất vẫn chưa ra quyết định điều chỉnh. 
Liên quan đến vụ việc, chiều ngày 8/11, ông Nguyễn Kim Loan - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất (Hà Nội) cho biết: UBND huyện Thạch Thất có nhận được văn bản chỉ đạo của thành phố về việc kiểm tra, rà soát lại hồ sơ. “Hiện nay, UBND huyện cũng đã chỉ đạo xã rồi, xã cũng đang cho rà soát lại những gì đúng theo quy định của pháp luật thì sẽ điều chỉnh” - Ông Nguyễn Kim Loan nói.
Theo dự kiến, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án này sẽ diễn ra vào ngày 14/11/2018 tới đây.